Nga công bố các điều kiện để chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow đã nêu rõ mục tiêu của chiến dịch quân sự tại Ukraine và các điều kiện để kết thúc cuộc xung đột này.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson được công bố hôm 5/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Tổng thống Vladimir Putin thường bị cáo buộc là từ chối đàm phán với Ukraine, nhưng điều này không chính xác.
Theo ông Lavrov, 2 năm trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cấm mọi cuộc đàm phán với Nga.
"Trước hết, tại sao bạn không nói với ông Zelensky hủy bỏ lệnh cấm đó một cách công khai? Đây sẽ là một tín hiệu cho thấy ông ấy muốn đàm phán", ông Lavrov nói.
Khi được hỏi về các điều kiện mà Nga sẽ đồng ý để chấm dứt xung đột, Ngoại trưởng Lavrov đề cập tới bài phát biểu của Tổng thống Putin hồi tháng 6, trong đó nhà lãnh đạo Nga nêu rõ lập trường của Moscow. Cụ thể, Ukraine sẽ phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, đảm bảo quyền của người dân nói tiếng Nga và trở thành một quốc gia trung lập, không có vũ khí hạt nhân.
"Nguyên tắc chính là tình trạng không gia nhập các khối của Ukraine. Không gia nhập NATO. Chắc chắn rồi. Không xây dựng các căn cứ quân sự, không tổ chức các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ Ukraine mà có sự tham gia của quân đội nước ngoài", Ngoại trưởng Lavrov nói với nhà báo Mỹ.
Theo ông Lavrov, Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà cho phép Ukraine có thể tiếp tục phân biệt đối xử với ngôn ngữ, phương tiện truyền thông cũng như văn hóa Nga.
Vào tháng 2/2022, khi xung đột leo thang, Moscow đã cáo buộc hành vi vi phạm Thỏa thuận Minsk của Kiev khi gây sức ép với người dân Ukraine nói tiếng Nga và các cuộc tấn công vào các vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông.
"Chúng tôi không chơi trò hai mặt. Những gì Tổng thống Putin tuyên bố là mục tiêu trong chiến dịch của chúng tôi. Điều đó công bằng, hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Trước hết là các quyền: quyền ngôn ngữ, quyền của nhóm thiểu số, quyền của nhóm thiểu số quốc gia, quyền tôn giáo", ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh các mục tiêu của Nga cũng "hoàn toàn phù hợp" với các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mà Mỹ cũng là thành viên.
Theo ông Lavrov, OSCE đã nhiều lần tuyên bố rằng không nước nào được mở rộng an ninh của mình bằng cách gây tổn hại đến nước khác và không tổ chức nào trong phạm vi của mình có thể tuyên bố bá quyền.
"NATO đã làm hoàn toàn ngược lại. Vì vậy, chúng tôi có tính hợp pháp trong lập trường của mình. NATO không thể hiện diện ở ngay trước cửa ngõ của chúng tôi vì OSCE đã nhất trí rằng điều này không nên xảy ra nếu gây tổn hại đến chúng tôi", Lavrov nêu rõ.
Nga nhiều lần tuyên bố trong suốt cuộc xung đột rằng Moscow sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình miễn là tính đến "thực tế trên thực địa", đề cập đến 4 vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm 2022.
Kiev đã không công nhận kết quả của những cuộc trưng cầu dân ý, cũng như không công nhận bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại của Nga, bằng một sắc lệnh của tổng thống vào năm 2022.