Chiến sự Nga - Ukraine "thử lửa" nghệ thuật đàm phán của ông Trump
(Dân trí) - Cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine sẽ trở thành phép thử cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nghệ thuật đàm phán mà ông thường tự hào.
Từng ra cuốn sách về "Nghệ thuật đàm phán", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thường tự hào mình là một bậc thầy về thương lượng.
Với cuộc chiến ở Ukraine, ông từng nhiều lần cam kết sẽ khiến 2 bên dừng lại xung đột chỉ trong 24 giờ sau khi nhậm chức bằng cách ngồi xuống đàm phán.
Tuy nhiên, với việc cả Nga và Ukraine chưa thể thống nhất điều kiện tiên quyết để thương lượng, thách thức đặt lên ông Trump được xem là không nhỏ khi ông sẽ phải đối phó với một Ukraine với quan điểm quyết liệt và Nga là một cường quốc hạt nhân.
Nguyên tắc "có qua có lại" của Nga
Cựu nhà ngoại giao Anh, chuyên gia Ian Proud cho biết, vào năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng ám chỉ về định luật 3 của Newton trong một bài phát biểu công khai: "Mỗi hành động đều sẽ gây ra phản ứng tương đương và ngược lại".
Điều này có nghĩa là Nga sẽ luôn phản ứng, trước cả những hành động mà họ cho là hung hăng, khiêu khích và với cả những nỗ lực nhằm gắn kết.
Ông Proud cho rằng, đây có thể là cơ sở để Tổng thống đắc cử Trump thể hiện nghệ thuật đàm phán với Tổng thống Putin nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Nguyên tắc "có qua có lại" là nguyên tắc dễ đoán nhất trong chính sách đối ngoại của Nga và chính sách của Nga đối với Ukraine là minh họa hoàn hảo, theo ông Proud.
Năm 2014, Nga cáo buộc phương Tây hậu thuẫn cho cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống thân Moscow của Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych. Tám năm sau, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nhằm tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống thân phương Tây Volodymyr Zelensky, nhưng không thành công.
Dù Nga đã dồn nhiều nguồn lực vào cuộc chiến và chưa thể khiến Ukraine nhượng bộ, nhưng Moscow vẫn đang có lợi thế rõ ràng. Thứ nhất, Nga vẫn đang kiểm soát 20% lãnh thổ của Ukraine. Thứ hai, tương lai gia nhập EU và NATO của Ukraine vẫn mờ mịt khi họ đang trong xung đột và sẽ rất khó để 2 khối trên kết nạp Kiev trong nhiều năm tới.
Nga cũng tin rằng phương Tây đã không thành công trong việc gây ra thất bại chiến lược cho Moscow. Nga khẳng định, các áp lực từ 20.000 lệnh trừng phạt của phương Tây không thể khiến họ sụp đổ. Bức màn sắt mà Mỹ và đồng minh vây quanh Nga đã không thể khép chặt vì Moscow vẫn giao thương với các nước châu Á, châu Phi, Nam bán cầu.
Ngoài ra, ông Putin hiểu rõ những lo ngại của phương Tây trước một nước Nga sở hữu hàng ngàn đầu đạn hạt nhân và dàn vũ khí mang sức mạnh răn đe mạnh mẽ.
Từ đó, việc đàm phán với Nga sẽ là một thách thức khi Moscow nhận thấy họ ở trong tình thế có lợi hơn so với Ukraine.
Nếu ông Trump có thể gây sức ép buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán bằng cách cắt giảm viện trợ, thì với Nga đó lại là một câu chuyện khác.
Ông Proud tin rằng, vào năm 2014, Nga có thể chưa nghĩ đến việc sẽ đưa quân vào Ukraine vào năm 2022. Việc Nga kiểm soát và sáp nhập bán đảo Crimea dường như gửi thông điệp cảnh báo tới Ukraine rằng chính sách thân phương Tây của họ đang gây bất lợi cho chính Kiev vì làm ảnh hưởng tới an ninh Nga.
Theo chuyên gia Anh, sự bất mãn của ông Putin dường như gia tăng sau 8 năm căng thẳng vùng Donbass không hạ nhiệt, thỏa thuận Minsk không thể thực thi vì thiếu đi niềm tin chính trị giữa các bên. Trong thời gian đó, Nga vẫn tiếp tục chịu áp lực trừng phạt từ phương Tây và Ukraine có xu hướng ngày càng xích lại hơn về NATO.
Tuy nhiên, khối liên minh quân sự vẫn tiếp tục đưa ra lập trường không rõ ràng liên quan tới những điều mà Nga không quan tâm. Họ cam kết sẽ kết nạp Ukraine, nhưng lại không nêu rõ thời điểm, trong khi một số quan chức nhận định, sự chờ đợi của Kiev có thể kéo dài trong nhiều năm trước khi họ được nhận vào liên minh.
Nga có thể cảm thấy rằng, tương lai an ninh của họ trở nên kém rõ ràng vì mối đe dọa Ukraine vào NATO có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, Nga ra quyết định muốn lật đổ chính phủ của ông Zelensky thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt.
Cuối năm ngoái, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết, "mục tiêu quan trọng và tất yếu nhất" của chiến dịch quân sự là thay đổi chính quyền Ukraine do phương Tây hậu thuẫn.
Có thể thấy, nguyên tắc "có qua có lại" của Nga được thể hiện khá nhất quán từ trước tới nay.
Vì vậy, câu hỏi được đặt ra lúc này là ông Trump liệu có thể làm gì để cuộc chiến nhanh chóng khép lại? Sẽ có những hướng đi khác nhau cho điều này.
Tăng áp lực lên Nga?
Giữa tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận xung đột sẽ kết thúc sớm hơn với các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào thời gian tới. Vì sao ông lại đưa ra nhận định này khi ông Trump trước đó nhiều lần chỉ trích các khoản viện trợ cho Ukraine?
Theo Telegraph, về mặt hình thức, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viện trợ mạnh mẽ cho Ukraine với nhiều vũ khí hiện đại và cả những vũ khí gây tranh cãi như bom chùm, mìn cá nhân, trong gần 3 năm qua.
Tuy nhiên, có một điều mà chính quyền ông Biden luôn thực thi đó là đảm bảo sự thận trọng chiến lược. Mỹ có thể cam kết viện trợ cho Ukraine, nhưng các vũ khí thường mất nhiều tháng, thậm chí thời gian bằng năm để đến được tiền tuyến với số lượng tương đối hạn chế, khiến chúng trở thành những nỗ lực "quá ít ỏi và quá muộn màng".
Ông Trump là một chính trị gia có quan điểm quyết liệt hơn ông Biden và cũng là một người khó đoán hơn. Vì vậy, ông Zelensky có thể kỳ vọng ông Trump có những quyết định cứng rắn hơn để gia tăng áp lực cho Nga.
Theo chuyên gia Ken Weinstein từ công ty tư vấn Brunswick Group (Anh), một phương án ông Trump có thể thực hiện để khiến Nga cảm thấy áp lực là tăng số vũ khí viện trợ cho Kiev và sẽ giảm bớt những lệnh hạn chế áp lên Ukraine về việc sử dụng những vũ khí này.
Đây là kịch bản lý tưởng nhất cho Ukraine khi họ vẫn mong muốn giành lại hết toàn bộ lãnh thổ và Kiev nhiều lần nhấn mạnh, để không bị lép vế trên bàn đàm phán, họ phải có lợi thế tương đương Nga.
Ngoài ra, ông Weinstein cho rằng, ông Trump có thể gia tăng lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng Nga, để khiến nền kinh tế Nga trở nên khó khăn hơn nữa và áp lực từ trong nước có thể buộc ông Putin phải suy nghĩ lại. Theo ông Weinstein, các chính sách gây áp lực của ông Biden về mặt kinh tế lên Nga trong những năm qua dường như vẫn chưa đủ quyết liệt và ông Trump có thể sẽ mạnh tay hơn.
Trước đó, đội ngũ của ông Trump cho biết họ có thể tăng sự hỗ trợ cho Ukraine để tăng áp lực lên Nga, nhưng các khoản viện trợ cho Kiev sẽ ở dưới dạng các khoản vay.
Do ông Trump coi lợi ích của nước Mỹ là trên hết, nên kịch bản này có thể xảy ra, dù điều đó có thể gây căng thẳng cho kinh tế Ukraine. Tuy nhiên, các tài sản đóng băng, thuế quan đánh vào ngành năng lượng Nga có thể chi trả cho việc hỗ trợ Ukraine. Đó có thể là một phương án mà phía ông Trump tính đến.
Quan điểm "mềm nắn, rắn buông"
Sự cứng rắn và quyết liệt là một trong những nét tính cách đặc trưng của ông Trump. Tuy nhiên, với tỷ phú người Mỹ đã trải qua nhiều năm trên thương trường, nghệ thuật thương lượng không chỉ có gây áp lực lên đối phương, mà còn là "mềm nắn, rắn buông".
Quan điểm "có qua, có lại" của Nga vẫn rất nhất quán. Khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine dùng tên lửa viện trợ bắn sâu vào lãnh thổ Nga, Moscow ngay lập tức đáp trả bằng vũ khí siêu vượt âm mới mà ông Putin cảnh báo rằng, nếu tấn công bằng nhiều tên lửa loại này cùng lúc, chúng sẽ gây ra sức công phá như một cuộc tập kích hạt nhân.
Vì vậy, nếu ông Trump quá cứng rắn với ông Putin, điều này có thể sẽ gây ra phản ứng ngược lại, dẫn tới sự leo thang căng thẳng với cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới.
Để Nga đáp lại lời kêu gọi đàm phán, chính quyền ông Trump có thể sẽ cần phát đi tín hiệu họ cũng sẽ nhượng bộ. Vậy Mỹ có thể nhượng bộ như thế nào?
Lo ngại lớn nhất của Nga là sự đông tiến của NATO. Tương lai của Ukraine trong khối liên minh là điều đã khiến Nga quyết định mở chiến dịch quân sự. Đây có thể là chìa khóa đầu tiên để tháo gỡ căng thẳng.
Trong kế hoạch của tướng Keith Kellogg, ứng viên đặc phái viên phụ trách vấn đề xung đột Nga - Ukraine do ông Trump lựa chọn, ông đã nhắc tới đề xuất tạm thời hoãn vấn đề Ukraine trở thành thành viên NATO. Đây có thể là tín hiệu gửi tới Nga về việc phương Tây cuối cùng đã chú ý tới quan ngại về an ninh của Moscow.
Vấn đề ở chỗ là, nếu nhượng bộ Nga về vấn đề Ukraine gia nhập NATO, phương Tây sẽ bảo đảm an ninh cho Kiev như thế nào trong tương lai.
Ông Kellogg đề xuất đóng băng xung đột Nga - Ukraine theo chiến tuyến hiện tại bằng một lệnh ngừng bắn và thiết lập một khu phi quân sự. Điều kiện được đưa ra với Nga là giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn nếu Moscow ký với Ukraine thỏa thuận hòa bình theo ý muốn của Kiev.
Về vấn đề lãnh thổ, Ukraine sẽ không bị yêu cầu từ bỏ việc đòi lại đất bị Nga kiểm soát, mà sẽ đồng ý theo đuổi việc này thông qua biện pháp ngoại giao trong tương lai.
Về mặt bản chất, kế hoạch này sẽ cần sự nhượng bộ đáng kể từ Ukraine, vì trên thực tế, Nga đang chiếm ưu thế hơn trên tiền tuyến.
Cuối tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ an ninh của NATO.
"Chúng tôi cần đưa phần lãnh thổ Ukraine đang kiểm soát vào ô bảo vệ của NATO. Chúng tôi phải hành động nhanh chóng. Và với phần lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát, chúng tôi có thể giành lại thông qua con đường ngoại giao", ông nói về khả năng nhượng bộ lãnh thổ và được NATO bảo trợ an ninh.
Bình luận này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong lập trường của Ukraine. Trước đó, Ukraine tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu với Nga cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ bao gồm bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, Ukraine dường như cũng hiểu được rằng thời thế đã thay đổi và việc họ quá cứng rắn có thể sẽ khiến họ gặp phải bất lợi lớn hơn, đặc biệt trước một chính trị gia khó đoán như ông Trump.
Theo Telegraph, Responsible Statecraft, Nikkei