1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga coi Taliban là "đồng minh" trong cuộc chiến chống khủng bố

Thanh Thành

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/7 đề cập đến Taliban, coi lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo ở Afghanistan như một "đồng minh" trong cuộc chiến chống khủng bố.

Nga coi Taliban là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Astana, thủ đô Kazakhstan, Tổng thống Putin thừa nhận rằng Afghanistan phải đối mặt với những vấn đề đòi hỏi "sự quan tâm thường xuyên" từ cả Nga và cộng đồng quốc tế.

"Nói chung, chúng ta phải làm việc với thực tế là Taliban kiểm soát quyền lực ở Afghanistan. Theo nghĩa này, Taliban chắc chắn là đồng minh của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vì bất kỳ chính phủ hành động nào cũng quan tâm đến sự ổn định chính quyền và nhà nước của họ", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.

Ông Putin nhấn mạnh, Taliban đã "đảm nhận một số trách nhiệm" nhưng vẫn còn "những vấn đề cần được quan tâm thường xuyên từ trong nước và cộng đồng quốc tế... Tôi chắc chắn rằng Taliban quan tâm đến mọi thứ ổn định ở Afghanistan".

Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, Moscow đã nhận được tín hiệu từ Taliban cho thấy họ sẵn sàng hợp tác chống khủng bố giữa lúc mối quan hệ giữa Nga với Afghanistan đang ngày càng cải thiện đáng kể, nhất là từ khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.

Liên quan đến tình hình Ukraine, Tổng thống Putin loại trừ khả năng tuyên bố ngừng bắn trước khi ký thỏa thuận hòa bình. Ông chủ Điện Kremlin chỉ ra rằng, Nga đã nhiều lần đơn phương tuyên bố ngừng bắn nhưng Ukraine đã tận dụng những cơ hội này để củng cố lập trường của mình hơn là tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông cho biết, không có nhà hòa giải nào trong cuộc xung đột với Ukraine có thể được ủy quyền ký các văn bản cuối cùng, mặc dù Moscow hoan nghênh các nỗ lực đàm phán.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ Ukraine hiện tại không thể được coi là một thực thể hợp pháp để ký các văn bản như vậy. Moscow cũng xem ông Volodymyr Zelensky không còn là tổng thống hợp pháp của Ukraine khi nhiệm kỳ của ông đã kết thúc mà nước này chưa tổ chức bầu cử lại.

Trước đó, Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến trên. Tổng thống Ukraine Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Ukraine cho đến nay vẫn coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".

Theo Anadolu Agency