1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có vaccine Covid-19 tạo sức ép chạy đua cho Tổng thống Mỹ Trump?

Các nhà khoa học lo ngại rằng thử nghiệm vaccine tại Mỹ có thể bị rút ngắn do ông Trump muốn có một “chiến thắng chính trị” trước Ngày Bầu cử 3/11 tới.

Khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới, các chuyên gia y tế ở Mỹ đã lo ngại Tổng thống Trump sẽ cảm thấy buộc phải cạnh tranh và sẽ vội vàng công bố vaccine của nước Mỹ ngay cả trước khi các cuộc thử nghiệm được toàn tất.

“Tôi chắc chắn rằng lần này ông Trump sẽ có động lực để thúc đẩy Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phải hành động nhanh chóng hơn nữa. Nếu ông ấy tin rằng, việc xét nghiệm khiến số ca bệnh của Mỹ gia tăng thì ông có thể sẽ tin rằng nếu không thử nghiệm một loại vaccine hay thuốc, thì nó cũng vẫn ổn”, bà Margaret Hamburg, một ủy viên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Nga có vaccine Covid-19 tạo sức ép chạy đua cho Tổng thống Mỹ Trump? - 1

Mỹ không chạy đua “ai về nhất” với Nga

Phản ứng trước thông tin Nga đã phê duyệt “vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới”, Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar ngày 12/8 nói rằng, việc phát triển vaccine Covid-19 không phải là cuộc đua xem ai về nhất.

Ông nhấn mạnh 2 trong số 6 vaccine Covid-19 mà chính phủ Mỹ đầu tư đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cách đây vài tuần, trong khi vaccine của Nga mới chỉ bắt đầu quy trình này. Các dữ liệu về thử nghiệm ban đầu ở Nga cũng không được tiết lộ.

So sánh Operation Warp Speed, chương trình vaccine Covid-19 của chính phủ Mỹ, với nhiệm vụ Apollo đưa con người lên Mặt Trăng, ông Azar nói rằng, nhiệm vụ lần này sẽ là sản xuất một vaccine Covid-19 an toàn vào cuối năm nay.

“Chưa bao giờ có một loại vaccine nào ở thế giới phát triển có thể chuyển từ giai đoạn 1 sang gia đoạn 3 nhanh như vaccine của Moderna. Mỹ đã cam kết rằng bất cứ loại vaccine nào được đưa vào phân phối cũng phải an toàn, hiệu quả, và đáp ứng tiêu chuẩn vàng của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA)”, ông Azar khẳng định.

Trong cuộc họp báo trước đó, Tổng thống Trump cũng cho biết, chính quyền của ông đã đạt thỏa thuận trị giá hơn 1,5 tỷ USD với công ty Moderna để sản xuất và phân phối 100 triệu liều vaccine của công ty này ngay khi nó được phê duyệt.

Vaccine mRNA-1273, do Moderna phối hợp với chính phủ Mỹ phát triển, hiện đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nếu loại vaccine này được đưa vào thử nghiệm, chính phủ có thể mua thêm tới 400 triệu liều.

David J. Kramer, một học giả nghiên cứu về Nga tại Đại học quốc tế Florida, đồng thời là cựu trợ lý ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George W. Bush nói rằng bên cạnh vấn đề kiểm soát vũ khí, chống Covid-19 sẽ là một vấn đề mà Mỹ và Nga phải hợp tác với nhau, chứ không phải là một yếu tố để cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo CNN, ở Mỹ Moderna là một trong số các công ty đang sản xuất vaccine một cách “liều lĩnh”, có nghĩa là công ty này đã đang sản xuất vaccine Covid-19 trước khi nó được phê duyệt.

Sức ép chạy đua để giành “chiến thắng chính trị”

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng vaccine của Nga, được phê duyệt không có các cuộc thử nghiệm mở rộng mà các nước phương Tây thường đòi hỏi một cách khắt khe, có thể có hiệu quả. Nhưng nếu nó không hiệu quả, sự vội vã có thể dấy lên những nguy hiểm không chỉ đối với người dân Nga mà còn đối với nhiều người khác nếu ông Trump tìm cách nhanh chóng bắt kịp thành tựu này.

Việc tìm kiếm vaccine Covid-19 vốn đã chịu sức ép phải đẩy nhanh tốc độ khi chính quyền Tổng thống Trump tìm cách phát triển một loại thuốc để chống lại virus SARS-CoV-2 khiến hơn 167.000 người Mỹ thiệt mạng (theo Worldometers tính đến chiều 12/8).

Hai công ty dược phẩm đã bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi được phê duyệt nếu thành công. Tuy nhiên, các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng các cuộc thử nghiệm cũng như quy trình phê duyệt có thể bị rút ngắn do ông Trump muốn có một “chiến thắng chính trị” trước cuộc bầu cử ngày 3/11 tới.

Nhà Trắng nói rằng, các dữ liệu chứ không phải yếu tố chính trị, sẽ chi phối quyết định phê duyệt vaccine, dù ông Trump nhiều lần liên kết chiến dịch Operation Warp Speed – một chương trình tìm kiếm và thu mua vaccine, với lịch trình bầu cử. Ông cũng từng nói rằng Mỹ có thể sẽ có vaccine trước Ngày Bầu cử (3/11/2020), dù các nhà khoa học nói rằng, phải đến đầu năm sau mới hoàn thành các cuộc thử nghiệm.

“Chúng ta đang làm rất tốt ở mọi khía cạnh trong đó có corona [dịch Covid-19]. Nhưng tôi phải nói rằng chúng ta đang đến gần với một điểm cuối. Chúng ta sắp có vaccine và vaccine sẽ sẵn sàng [được phân phối]. Chúng ra đang tới rất gần với một loại vaccine. Chúng tôi sãn sàng phân phối”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh ngày 11/8.

Trong cuộc họp báo sau đó cùng ngày, Tổng thống đã không đưa ra bình luận nào về tuyên bố của Nga, nhưng lại nói về “tiến bộ vượt bậc” của một loại vaccine của Mỹ và khẳng định, Mỹ đang tới rất gần với mốc phê duyệt vaccine.

“Operation Warp Speed là chiến dịch tiên tiến nhất và lớn nhất trên thế giới cũng như trong lịch sử”, ông Trump nói.

Tổng thống Putin có thể nhận thấy không cần phải chờ các cuộc thử nghiệm mở rộng ở Nga - nơi mà những quy định trong hệ thống y tế có lẽ không quá khắt khe như ở Mỹ. Tuy nhiên, điều này lại khiến ông Trump ở vào một vị trí khó xử.

Theo Monica Schoch-Spana, một học giả cấp cao tại trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế, với mong muốn cá nhân về một “chiến thắng chính trị”, Tổng thống Trump có thể cũng muốn có một “chiến thắng vaccine” tương tự như Tổng thống Putin có được ở Nga.