1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga chọn lợi ích quốc gia trong xung đột Azerbaijan - Armenia

Quốc Đạt

(Dân trí) - Khi Nagorno-Karabakh ngưng tiếng súng vào năm 2020, Moscow đã triển khai lực lượng đến đây để giám sát thực thi thỏa thuận hòa bình Azerbaijan - Armenia.

Nga chọn lợi ích quốc gia trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 1

Thiệt hại tại khu vực dân cư sau lần tập kích quân sự tại Stepanakert (Ảnh: TASS).

Hơn 2 năm sau, thỏa thuận do Nga làm trung gian đã đổ vỡ khi Azerbaijan nổ súng trong "chiến dịch chống khủng bố", buộc phe ly khai thân Armenia tại Nagorno-Karabakh đầu hàng hôm 20/9. Gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình Nga không thể can thiệp.

"Thông tin (về chiến dịch chống khủng bố) chỉ được thông báo tới lực lượng gìn giữ hòa bình Nga chỉ vài phút trước khi xung đột nổ ra", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.

Một số ý kiến cho rằng việc Moscow gần như chỉ đứng ngoài quan sát trong khi Baku tiến hành hoạt động quân sự là dấu hiệu cho thấy nước Nga - với mối bận tâm lớn hơn ở Ukraine - không còn đủ "sức nặng" tại khu vực để yêu cầu các bên cùng ngồi xuống đối thoại.

Trong khi đó, các chuyên gia khác lại cho rằng bằng cách đứng ngoài Nagorno-Karabakh, Nga đã chọn lợi ích quốc gia, trong bối cảnh cục diện địa chính trị quanh khu vực này đã có nhiều biến chuyển.

Nga chọn lợi ích quốc gia trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 2

Bản đồ thể hiện vị trí của vùng Nagorno-Karabakh (Đồ họa: BBC).

Nga và Armenia có quan hệ lịch sử lâu đời, có thể truy gốc về đầu thế kỷ 19. Hiện nay, 2 nước là thành viên của Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) có nguyên tắc phòng vệ tập thể tương tự NATO.

Nagorno-Karabakh được cộng đồng quốc tế, bao gồm Nga, công nhận thuộc về Azerbaijan. Tuy nhiên, lực lượng ly khai được Armenia ủng hộ đã kiểm soát vùng này từ cuộc chiến vào năm 1994.

Armenia và Azerbaijan cũng nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn về vấn đề Nagorny-Karabakh vào năm 2020. Trong cuộc xung đột 6 tuần vốn khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát các khu vực trọng điểm của Nagorny-Karabakh, bao gồm thị trấn Shusha có ý nghĩa quan trọng. Nhưng các khu vực khác tại đây, bao gồm thành phố Stepanakert, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai thân Armenia.

Trong nhiều tháng trước khi lần xung đột mới nhất bùng nổ, Nga đã không hành động khi Azerbaijan đưa tình nguyện viên và binh sĩ lập chốt chặn con đường duy nhất nối giữa Armenia và Karabakh vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, theo thỏa thuận năm 2020.

Theo các chuyên gia, đó là động thái thể hiện rõ ràng rằng nước Nga không có ý định hoặc nguồn lực để duy trì thỏa thuận hòa bình năm 2020, trong bối cảnh Điện Kremlin bận tâm với "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.

Nga chọn lợi ích quốc gia trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 3

Một chốt kiểm tra Azerbaijan tại lối vào Hành lang Lachin, con đường bộ duy nhất giữa vùng đòi ly khai Nagorno-Karabakh với Armenia (Ảnh: AFP).

Sự thay đổi trong lập trường của Nga còn diễn ra khi Armenia ngày một tăng cường quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu. Yerevan tuần trước đã tiến hành tập trận chung với Mỹ nhằm "tăng mức độ tương tác của đơn vị tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế".

Armenia cũng hội đàm với Nga về ý định tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Đây là vấn đề nhạy cảm đối với Moscow vì tổ chức này từng ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nước thành viên của ICC có trách nhiệm thực thi lệnh này.

"Với những bước đi như vậy, Yerevan tạo điều kiện cho Washington và Brussels theo đuổi chính sách thù địch với Nga", người phát ngôn Maria Zakharova nói hôm 19/9.

"Nga chỉ can thiệp vào phút cuối để thúc đẩy lợi ích của mình", Thomas de Waal, tác giả viết sách về cuộc xung đột liên quan vùng Nagorno-Karabakh, nói với New York Times.

Theo ông de Waal, sau lần xung đột mới nhất tại Nagorno-Karabakh, Nga không ngừng vai trò là trọng tài trong các sự kiện xảy ra tại vùng Nam Caucasus nhưng đang "xem xét lại các lựa chọn", từ đó "đặt cược nhiều hơn vào Azerbaijan".

Vị thế của Azerbaijan đã trở nên mạnh hơn. Khi Armenia và Azerbaijan kết thúc cuộc chiến đầu tiên ở Nagorno-Karabakh vào năm 1994, nền kinh tế 2 nước có quy mô ngang nhau. Nhưng nhờ nguồn thu từ dầu khí, kinh tế Azerbaijan hiện đã lớn hơn gần 10 lần.

Nga chọn lợi ích quốc gia trong xung đột Azerbaijan - Armenia - 4

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dự cuộc họp 3 bên tại Sochi, Nga vào tháng 10/2022 (Ảnh: Sputnik).

Cả hai nước đều mua phần lớn vũ khí từ Nga nhưng theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Azerbaijan đã chi 2,2 tỷ USD cho vũ khí vào năm 2020 so với 634 triệu USD của Armenia.

Xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng khoảng cách kinh tế và cũng nâng cao vị thế ngoại giao của Azerbaijan. Đầu năm nay, Tổng thống Ilhem Aliyev nói rằng cuộc xung đột đã tạo nên một "thế giới mới", đồng thời tiết lộ rằng kể từ khi xung đột bùng nổ, nhu cầu của nước ngoài đối với khí đốt tự nhiên của Azerbaijan đã tăng đáng kể.

Nga có thể đã hành động vì lợi ích tương lai của quốc gia, nhưng việc không phản hồi trước lời kêu gọi hỗ trợ của Armenia vẫn có thể khiến một số nước đặt câu hỏi về vai trò "người đảm bao an ninh" tại khu vực.

"Nếu muốn bảo vệ, nước Nga sẽ bảo vệ. Còn nếu không muốn, họ có thể tìm ra hàng nghìn lý do", Thư ký hội đồng an ninh Armenia, Armen Grigoryan, nói hôm 20/9.

Trong khi đó, một số chính trị gia Azerbaijan cho rằng Moscow nên rút hoàn toàn khỏi khu vực.

"Cả lực lượng vũ trang ở Karabakh và "lực lượng gìn giữ hòa bình" của Nga nên rời khỏi Karabakh", Ali Karimli, người đứng đầu đảng Mặt trận Nhân dân đối lập, cho biết trong một bình luận trên Facebook.

Theo Guardian, New York Times, Al Jazeera