1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Azerbaijan mở "chiến dịch chống khủng bố" tại vùng ly khai

Quốc Đạt

(Dân trí) - Azerbaijan tuyên bố phát động "chiến dịch chống khủng bố" tại vùng Nagorno-Karabakh, gần 3 năm sau khi nước này xảy ra cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu với Armenia cũng ở chính khu vực đó.

Azerbaijan mở chiến dịch chống khủng bố tại vùng ly khai - 1

Quân đội Azerbaijan trong một cuộc diễu binh mừng "chiến thắng" sau xung đột vũ trang với Armenia năm 2020 (Ảnh: RFE/RL).

"Các biện pháp chống khủng bố có phạm vi cục bộ đã được triển khai trong khu vực", Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 19/9 cho biết, đồng thời cáo buộc các lực lượng được nước láng giềng Armenia hậu thuẫn liên tục pháo kích và xâm nhập.

Chính quyền Baku cho biết đang sử dụng vũ khí chính xác để nhắm vào các vị trí và cơ sở quân sự của Armenia do phe ly khai sử dụng. "Chúng tôi nhắc lại rằng dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự không phải là mục tiêu", tuyên bố cho biết.

Azerbaijan thực hiện sứ mệnh này là vì các lực lượng do Armenia hậu thuẫn đã pháo kích "có hệ thống", thực hiện "hoạt động trinh sát" và củng cố các vị trí phòng thủ.

"Ngoài ra còn là việc gia cố các vị trí chiến đấu với nhân sự, xe bọc thép, pháo binh và các loại vũ khí khác", Azerbaijan cho biết, cáo buộc phe ly khai có "mức độ sẵn sàng chiến đấu cao".

Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia. Tranh chấp về quyền kiểm soát khu vực này là nguyên nhân chính khiến quan hệ 2 nước láng giềng Armenia - Azerbaijan rạn nứt.

Azerbaijan mở chiến dịch chống khủng bố tại vùng ly khai - 2

Bản đồ vùng Nagorny-Karabakh (Đồ họa: BBC).

Giữa hai nước từng nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn về vấn đề Nagorny-Karabakh vào những năm 1990 và năm 2020.

Trong cuộc xung đột 6 tuần vào năm 2020 vốn khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát các khu vực trọng điểm của Nagorny-Karabakh, bao gồm thị trấn Shusha có ý nghĩa quan trọng. Nhưng các khu vực khác tại đây, bao gồm thành phố Stepanakert, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai gốc Armenia.

Bộ Quốc phòng Armenia cùng ngày 19/9 khẳng định họ không có binh sĩ hoặc trang bị quân sự ở Nagorny-Karabakh, còn Bộ Ngoại giao nước này thúc giục lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ngăn chặn "sự gây hấn toàn diện" của Baku nhắm vào người dân địa phương.

Phản hồi, Azerbaijan yêu cầu lực lượng Armenia rút quân hoàn toàn và vô điều kiện khỏi khu vực Nagorno-Karabakh để có thể đàm phán hòa bình.

Trong khi đó, Moscow yêu cầu các bên xung đột tôn trọng hiệp định hòa bình và chấm dứt "đổ máu".

Azerbaijan phát động "chống khủng bố" chỉ vài giờ sau khi nước này cho biết 4 sĩ quan cảnh sát và 2 thường dân đã thiệt mạng trong 2 vụ nổ mìn riêng biệt ở Nagorno-Karabakh. Họ đổ lỗi cho phe ly khai đứng sau vụ việc.

Những cái chết xảy đến sau khi phe ly khai gốc Armenia cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Azerbaijan để tiếp tục cung cấp viện trợ cho Karabakh.

Nỗi lo ngại về việc sẽ nổ ra một cuộc xung đột vũ trang mới đã gia tăng trong những tháng gần đây, sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan dồn quân đội và chỉ trích đối phương phong tỏa tuyến đường bộ duy nhất của nước này với Nagorno-Karabakh.

Theo AFP