Nga cáo buộc nhà khoa học phản quốc vì tuồn bí mật cho Trung Quốc
(Dân trí) - Nga cáo buộc nhà khoa học hàng đầu của nước này tội phản quốc vì tuồn bí mật quốc gia cho Trung Quốc.
Valery Mitko, Chủ tịch Viện Khoa học Bắc Cực của Nga, đã bị quản thúc tại nhà kể từ khi chính quyền Nga cáo buộc ông này tội phản quốc hồi tháng 2. Ông Mitko, một trong những nhà khoa học hàng đầu của Nga, cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình.
Các nhà điều tra cho biết ông Mitko, 78 tuổi, và một giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hàng Hải Đại Liên Trung Quốc đã trao đổi thông tin bí mật cho các cơ quan đặc biệt tại Trung Quốc. Nếu bị kết tội, nhà khoa học Nga có thể bị kết án 20 năm tù.
Theo Ivan Pavlov, luật sư của ông Mitko, thân chủ của ông thường tới Trung Quốc 2 lần trong một năm để diễn thuyết với tư cách là giảng viên thỉnh giảng và không chia sẻ các bí mật quốc gia cho chính quyền Trung Quốc.
Luật sư Pavlov khẳng định ông Mitko đã mang theo các tài liệu cho bài giảng của ông tới Trung Quốc, nhưng các tài liệu này chỉ chứa thông tin học thuật. Luật sư cũng cho biết toàn bộ tài liệu được ông Mitko mang ra khỏi Nga đều có nguồn mở và nhà khoa học này chưa bao giờ gặp giới tình báo Trung Quốc.
“Không có bí mật quốc gia nào ở đây. Chúng tôi coi những cáo buộc này là vô lý”, Pavlov nói, đồng thời hy vọng vụ việc sẽ sớm được bãi bỏ trước khi đưa ra xét xử.
Theo một nguồn tin của hãng tin Interfax, ông Mitko bị cáo buộc cung cấp thông tin về phương pháp phát hiện tàu ngầm cho Trung Quốc. Trước đó, ông Mitko từng phục vụ trong hải quân Mỹ.
Các nhà điều tra thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga cũng cáo buộc ông Mitko, một chuyên gia về thủy âm học, tuồn thông tin về công nghệ dò tìm tàu ngầm cho Trung Quốc để đổi lấy các khoản tiền.
Nhiều nhà khoa học Nga từng bị bắt và buộc tội phản quốc trong những năm gần đây vì tuồn tài liệu nhạy cảm cho nước ngoài. Tuy nhiên, những người chỉ trích Nga cho rằng những vụ bắt giữ này bắt nguồn từ nỗi lo sợ vô căn cứ của Moscow.
Nga đang đẩy mạnh các hoạt động tại Bắc Cực và tăng cường hiện diện quân sự ở đây. Trung Quốc cũng coi Bắc Cực là địa bàn để mở rộng hoạt động.
Trước ông Mitko, nhà nghiên cứu không gian Vladimir Lapygin, 79 tuổi, cũng bị kết án 7 năm tù hồi năm 2016, sau khi bị kết tội tuồn thông tin mật về máy bay siêu thanh cho Trung Quốc. Nhà khoa học này được trả tự do sớm vào tuần trước.
Một nhà nghiên cứu không gian khác của Nga là Viktor Kudryavtsev, cũng bị buộc tội hồi năm 2018 vì tiết lộ bí mật quốc gia cho một viện khoa học Bỉ.
Nhà nghiên cứu vật lý Valentin Danilov cũng ngồi tù 8 năm sau khi bị kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc hồi năm 2004.
“Đây là một chiến dịch nhằm vào các nhà khoa học. Làm thế nào để khoa học có thể phát triển nếu họ cấm các nhà khoa học tiếp xúc với người nước ngoài”, luật sư Pavlov đặt câu hỏi.
Các vụ bắt giữ nhằm vào các nhà khoa học bị coi là gián điệp đã cho thấy cuộc cạnh tranh ngầm giữa Nga và Trung Quốc, ngay cả khi hai nước bắt đầu phát triển quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với căng thẳng ngày càng gia tăng với phương Tây.
Thành Đạt
Theo SCMP