1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia cảnh giác trước "đòn" gián điệp của Trung Quốc

(Dân trí) - Australia đang nhìn nhận lại mối quan hệ với Trung Quốc sau khi xuất hiện hàng loạt vụ việc liên quan tới nghi vấn gián điệp Bắc Kinh can thiệp nội bộ.

Australia cảnh giác trước đòn gián điệp của Trung Quốc - 1

Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh bên ngoài tòa nhà quốc hội Australia ở Canberra. (Ảnh: New York Times)

Một người Trung Quốc đào tẩu sang Australia đã tiết lộ chi tiết về việc Bắc Kinh can thiệp chính trị vào Canberra. Một doanh nhân bị phát hiện đã chết sau khi nói với giới chức Australia về âm mưu của Trung Quốc nhằm cài cắm ông vào Quốc hội Australia. Trong khi đó, các đối tượng khả nghi vẫn đang theo dõi những người chỉ trích Trung Quốc tại các thành phố lớn của Australia.  

Đối với một đất nước chỉ mong muốn hợp tác thương mại hòa bình với Trung Quốc như Australia, những thông tin được hé lộ như trên, dù mới xuất hiện trong vòng một tuần qua, đã tạo nên cơn chấn động.

Trước đây, nỗi lo sợ về sự can thiệp của Trung Quốc từng bao trùm lên toàn bộ đất nước Australia, dù chỉ là mơ hồ. Còn bây giờ, Australia đã cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tham vọng chính trị của Trung Quốc, cùng với những hoạt động gián điệp do Bắc Kinh triển khai.

“Điều đó đã trở thành vấn đề không thể lờ đi được. Chúng ta đã đánh giá thấp về việc sức mạnh của Trung Quốc vượt trội nhanh như thế nào cũng như tham vọng của họ trong việc sử dụng sức mạnh đó”, Hugh White, cựu quan chức tình báo hiện giảng dạy về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nhận định.

Giới chức Mỹ thường coi Australia như một trường hợp thử nghiệm để xem các nước khác sẽ hành xử như thế nào khi họ, tương tự Canberra, là đồng minh của Washington nhưng cũng duy trì mối quan hệ đủ gần với Trung Quốc.

Cả trên phương diện công khai lẫn riêng tư, Mỹ đều hối thúc các nhà lãnh đạo Australia đối mặt với Trung Quốc trực diện hơn. Sức ép của Washington với Canberra có thể tăng lên, sau khi Tổng thống Donald Trump ký thông qua đạo luật áp lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong về vấn đề nhân quyền tại Hong Kong.

Mặc dù phải đối mặt với lo ngại về các hoạt động gián điệp công khai, song chính quyền Australia vẫn chưa vạch ra ranh giới rõ ràng đối với Trung Quốc khi Bắc Kinh vừa được xem là đối tác kinh tế, vừa là mối đe dọa với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison tiếp tục khẳng định rằng, Australia không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. Bộ luật mới của Australia về chống nước ngoài can thiệp chỉ vừa mới được thực thi, trong khi mức độ bí mật của vấn đề khiến ngay cả các nhà lập pháp cũng như các chuyên gia cũng thiếu các thông tin chuyên sâu cần thiết.

Các cơ quan tình báo Australia đã gióng hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc theo cách mà hầu hết chính trị gia nước này thường tránh. Tình báo Australia vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đang phải đương đầu với những cáo buộc phức tạp về các hành vi đáng lo ngại của Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc này.

Các vụ việc gây lo ngại

Australia cảnh giác trước đòn gián điệp của Trung Quốc - 2

Các sinh viên ủng hộ Trung Quốc to tiếng với người biểu tình Hong Kong bên ngoài Đại học South Australia hồi tháng 8. (Ảnh: EPA)

Trong vụ việc gây quan ngại nhất gần đây, các nhà chức trách Australia xác nhận rằng họ đang điều tra các thông tin do Nick Zhao, một doanh nhân người Australia, cung cấp. Zhao nói với các quan chức tình báo rằng, ông là mục tiêu của một âm mưu nhằm cài cắm gián điệp Trung Quốc vào Quốc hội Australia.

Zhao, 32 tuổi, là doanh nhân buôn xe sang và từng là thành viên của đảng Tự do Australia. Theo Andrew Hastie, một nhà lập pháp liên bang chỉ trích Trung Quốc mạnh mẽ, Zhao là “mục tiêu hoàn hảo để cài cắm”. Ông Hastie tiết lộ rằng Zhao là “người chi tiêu hào phóng ở Melbourne”.

Theo tiết lộ của Zhao, một doanh nhân khác có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ khoản tiền lên tới 1 triệu đô la Australia (khoảng 667.000 USD) để giúp ông tranh cử vào Quốc hội Australia. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, tức vào tháng 3, Zhao bị phát hiện đã chết trong phòng khách sạn. Australia vẫn đang điều tra nguyên nhân cái chết của người đàn ông này.

Trong một tuyên bố hiếm hoi, lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa Australia Mike Burgess ngày 25/11 cho biết, cơ quan này đã nắm được thông tin về vụ việc của Zhao và xem đây là một vụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc gọi cáo buộc nhằm vào nước này là biểu hiện của chứng cuồng loạn từ phía Australia.

“Những câu chuyện như “gián điệp Trung Quốc” hay “Trung Quốc can thiệp vào Australia”, với những âm mưu kỳ quặc và những chi tiết gây chú ý, đều là dối trá”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, phát biểu trong cuộc họp báo hồi đầu tuần.

Australia cảnh giác trước đòn gián điệp của Trung Quốc - 3

Quặng sắt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngoài vụ việc trên, Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc trong một vụ tương tự khác hồi tuần trước, liên quan tới một người tên Wang Liqiang xin tị nạn tại Australia.

Khi trình báo với các nhà chức trách Australia, Wang tự nhận mình là một nhân vật tình báo quan trọng. Wang nói anh ta là trợ lý cho một doanh nhân Hong Kong, người mà Wang tiết lộ là chịu trách nhiệm do thám, tuyên truyền và tung thông tin sai lệch nhằm dập tắt tâm lý bất mãn với Trung Quốc tại Hong Kong và làm suy yếu nền dân chủ tại Đài Loan.

Về phần mình, Trung Quốc nói Wang là một kẻ lừa đảo đã bị kết tội. Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo nhà nước Trung Quốc, ngày 28/11 đã công bố video ghi lại phiên tòa xét xử Wang vào năm 2016, trong đó Wang thừa nhận đã lừa đảo 17.000 USD.

Xiang Xin, ông chủ cũ bị Wang cáo buộc, phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào, thậm chí không quen biết Wang.

Vấn đề bắt đầu nảy sinh từ đây. Trong khi một số nhà phân tích hoài nghi về cáo buộc của Wang, một số cơ quan hành pháp trên toàn thế giới vẫn xem xét nghiêm túc lời khai dài 17 trang mà Wang cung cấp cho các nhà chức trách Australia để làm hồ sơ xin tị nạn.

Cơ quan Tư pháp Đài Loan đã bắt giữ Xiang cùng một doanh nhân khác trong công ty mà Wang từng làm việc. Các nhà điều tra Đài Loan đang xem xét nghi vấn rằng, hai đối tượng này hoạt động cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Thách thức với Australia

“Các cơ quan tình báo đầu não của Australia đang bị thử thách. Đó là một nhiệm vụ khó khăn và họ không thể để xảy ra sai sót”, John Fitzgerald, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Melbourne, nhận định.

Có thể thấy một điều rõ ràng là, các vụ việc xảy ra gần đây khiến công chúng lo ngại nhiều hơn về mối quan hệ giữa hai nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy thái độ cứng rắn của người dân Australia đối với Trung Quốc, ngay cả khi xảy ra các vụ việc tuần trước.

Ông Hastie, nghị sĩ đảng Tự do hiện giữ chức chủ tịch ủy ban tình báo tại Quốc hội Australia, cho biết văn phòng của ông đã nhận được rất nhiều thư điện tử, cuộc gọi, thậm chí cả thư viết tay từ người dân trên khắp cả nước gửi tới để bày tỏ sự giận dữ và lo lắng về các hoạt động của Trung Quốc tại Australia.

Australia cảnh giác trước đòn gián điệp của Trung Quốc - 4

Nghị sĩ đảng Tự do Gladys Liu bị nghi ngờ về lòng trung thành vì tham gia vào nhiều hội nhóm có liên quan tới Trung Quốc. (Ảnh: EPA)

Những hoài nghi về Trung Quốc tiếp tục xoay quanh nghị sĩ đảng Tự do Gladys Liu khi bà gặp khó khăn trong việc trả lời các câu hỏi hồi tháng 9 về việc bà tham gia vào nhiều hội nhóm có liên quan tới chính quyền Trung Quốc.

Các cáo buộc gián điệp gần đây xảy ra sau nhiều tháng căng thẳng tại các trường đại học ở Australia, nơi người biểu tình từ Hong Kong bị các đối tượng từ Trung Quốc đại lục cản trở, thậm chí tấn công bằng vũ lực. Một số nhà hoạt động sinh viên đã thông báo với các nhà chức trách Australia rằng, họ bị những người nghi là có liên quan tới lãnh sự quán Trung Quốc bám đuôi hoặc chụp ảnh.

Một vụ việc khác có liên quan tới John Garnaut - một cựu quan chức có tiếng tăm và là nhà báo lâu năm từng trình báo cáo mật lên cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull hồi năm 2017 về sự can thiệp của Trung Quốc vào Australia. Ông Garnaut gần đây thừa nhận rằng ông bị những người được cho là đặc vụ Trung Quốc theo dõi.

Những vụ việc trên đã cho thấy một “phiên bản” Trung Quốc mà Australia chưa từng để ý trước đây. Trong suốt hàng chục năm, Australia vẫn đặt mối quan hệ với Trung Quốc trên một nền tảng cơ bản là: Hãy cùng nhau làm giàu. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, Australia đang nhìn nhận rằng, mục tiêu của Trung Quốc bây giờ không chỉ dừng lại ở thương mại.

Thành Đạt

Theo New York Times