Nga cảnh báo hậu quả thảm khốc, hồi chuông cảnh tỉnh với phương Tây
(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố cuộc tấn công bằng tên lửa mới của Nga vào một cơ sở quân sự của Ukraine là "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với phương Tây.
"Những hồi chuông cảnh tỉnh như vậy đã gửi đi thông điệp rằng "đừng bao giờ nghĩ tới điều đó". Tôi muốn đề cập tới cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa mới của chúng tôi. Cuộc tấn công diễn ra rất kịp thời, cần thiết và hiệu quả", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 24/11.
Ông Peskov nói thêm rằng bằng cách cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa của mình, chính quyền Mỹ đã phớt lờ những cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hậu quả có thể xảy ra. Theo đó, ông Putin cần phải thực hiện các bước quyết đoán và cứng rắn.
"Tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra là sự kết hợp giữa cơn cuồng loạn của những người đưa ra quyết định và cả sự khao khát trả đũa chính trị nội bộ. Tất cả yếu tố này đã hội tụ tại Washington, và đây là nơi mà quyết định này được đưa ra. Họ quyết định phớt lờ lời cảnh báo của Tổng thống Putin. Tình hình này đòi hỏi những bước đi quyết đoán và những tuyên bố cứng rắn từ tổng thống Nga", ông Peskov nhấn mạnh.
Ông Peskov nhớ lại, vào tháng 9, Tổng thống Putin đã cảnh báo rằng nếu quyết định tấn công sâu vào lãnh thổ Nga được đưa ra, điều này có nghĩa là các nước NATO sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Điều này sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột này, Nga sẽ đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên các mối đe dọa sẽ xuất hiện".
"Ông Putin đã gửi một tín hiệu hoàn toàn rõ ràng và hợp lý. Tất nhiên, vẫn còn hy vọng rằng các quốc gia sẽ lắng nghe điều này", quan chức Điện Kremlin lưu ý.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev kêu gọi châu Âu ngừng hỗ trợ cho Ukraine, nếu không họ có khả năng phải đối mặt với thiệt hại thảm khốc từ tên lửa Oreshnik tầm trung mới nhất của Moscow.
"Châu Âu đang bối rối, suy đoán về mức độ thiệt hại mà tên lửa này gây ra với đầu đạn hạt nhân, liệu nó có thể bị bắn hạ hay không và tên lửa sẽ bay đến thủ đô của các nước châu Âu nhanh như thế nào. Hãy để tôi trả lời cả 3 câu hỏi này: thiệt hại sẽ rất thảm khốc; không thể bắn hạ chúng bằng các hệ thống hiện tại; và chỉ trong vài phút. Hầm trú bom cũng không cứu được. Hy vọng duy nhất là Nga, vì sự tử tế của mình, sẽ đưa ra cảnh báo trước khi phóng", ông Medvedev tuyên bố.
Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung mới được gọi là Oreshnik vào Ukraine hôm 21/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết động thái này nhằm đáp trả trực tiếp cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa Mỹ và Anh vào lãnh thổ Nga.
Ông Putin cũng cho rằng xung đột ở Ukraine đang trở thành cuộc chiến toàn cầu. Ông tuyên bố, Nga đã kích hoạt quyền tấn công vào các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của họ để tấn công Nga, mà cho đến nay chỉ gồm Mỹ và Anh.
Đầu tuần trước, Tổng thống Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga theo hướng hạ thấp ngưỡng sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân. Giới quan sát cho rằng, động thái này của Moscow nhằm "nắn gân", ngăn chặn phương Tây tiếp tục cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.