1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga cảnh báo đanh thép hậu quả việc thực thi lệnh bắt Tổng thống Putin

Thành Đạt

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cho biết, lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Vladimir Putin rốt cuộc chỉ là "tờ giấy vụn vô nghĩa".

Nga cảnh báo đanh thép hậu quả việc thực thi lệnh bắt Tổng thống Putin - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Trong bài viết trên Telegram hôm 3/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã chế giễu phản ứng của phương Tây đối với chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin.

"Liên minh châu Âu phục tùng được cho là đã bày tỏ mối quan ngại đối với Mông Cổ về chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin", ông Medvedev viết.

Cựu Tổng thống Medvedev cho rằng Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) - nơi mà ông gọi là "tòa án" nửa vời - nên lo sợ "một kịch bản mà một số kẻ manh động cố gắng thực hiện lệnh bắt giữ bất hợp pháp của họ".

"Trong trường hợp đó, mạng sống của họ không đáng giá gì hơn tờ giấy ghi sắc lệnh tồi tệ này", ông Medvedev cảnh báo.

Ông Medvedev cũng cảnh báo, ICC nên cân nhắc hậu quả nếu có người dám thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga.

Tổng thống Putin hôm nay đã được người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp đón trên thảm đỏ, giữa đội hình tiêu binh danh dự ở thủ đô Ulaanbaatar.

Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Mông Cổ rằng: "Mối quan hệ với Mông Cổ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi ở châu Á. Quan hệ giữa 2 nước đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao".

Trong khi đó, Tổng thống Mông Cổ hy vọng chuyến thăm sẽ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước.

Mông Cổ đang trên lộ trình xây dựng một đường ống dẫn lớn mà Nga muốn xây dựng để vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal tới Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ICC đề nghị Mông Cổ thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Putin.

Tháng 3 năm ngoái, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

Động thái của Mông Cổ đã vấp phải chỉ trích của Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo Mông Cổ sẽ lĩnh hậu quả vì không thực thi lệnh của ICC.

Trước chuyến thăm của Tổng thống Putin, người phát ngôn ICC, Fadi el-Abdallah, tuyên bố Mông Cổ phải hợp tác với ICC về việc bắt giữ, đồng thời nói thêm rằng nếu không làm như vậy, cơ quan này có thể đưa ra phản ứng "thích hợp".

Trước khi máy bay chở ông Putin hạ cánh xuống Ulaanbaatar, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã xoa dịu lo ngại về khả năng nhà lãnh đạo Nga bị bắt giữ. "Chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với những người bạn từ Mông Cổ", ông nói, lưu ý rằng Moscow "không có lo ngại" về sắc lệnh của ICC.

Ông Medvedev hồi tháng 6 từng cảnh báo "việc thi hành một quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một quốc gia cụ thể có thể coi là một lời tuyên chiến".

Ông Medvedev nói thêm rằng, việc không công nhận các quốc gia và các quan chức của quốc gia đó có quyền miễn trừ đôi khi có thể là một bước tiến tới chiến tranh.

"Việc không công nhận quyền miễn trừ của một quốc gia, bao gồm quyền miễn trừ tài sản, quyền miễn trừ của quan chức, là bước đi mang tính quyết định nhất đối với việc bắt đầu một cuộc chiến, và trong một số trường hợp thậm chí là chiến tranh thế giới", ông Medvedev cảnh báo.

Theo RT