1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mông Cổ trải thảm đỏ đón ông Putin bất chấp lệnh bắt giữ của ICC

Minh Phương

(Dân trí) - Mông Cổ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nghi thức tiếp đón trang trọng khi nhà lãnh đạo Nga tới thăm quốc gia châu Á này bất chấp lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Mông Cổ trải thảm đỏ đón ông Putin bất chấp lệnh bắt giữ của ICC - 1

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/9 (Ảnh: AFP).

Khi bước ra khỏi chiếc limousine ở thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ hôm nay 3/9, Tổng thống Nga Putin được người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tiếp đón trên thảm đỏ, giữa đội hình tiêu binh danh dự.

Ông Khurelsukh sau đó đã cùng Tổng thống Nga đến Cung điện Chính phủ, nơi 2 nhà lãnh đạo đều tỏ lòng kính trọng trước bức tượng của Thành Cát Tư Hãn trước khi bước vào các cuộc họp kín.

Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Mông Cổ rằng: "Mối quan hệ với Mông Cổ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng tôi ở châu Á. Quan hệ giữa 2 nước đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện ở mức độ cao".

Trong khi đó, Tổng thống Mông Cổ hy vọng chuyến thăm sẽ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước.

Mông Cổ đang trên lộ trình xây dựng một đường ống dẫn lớn mà Nga muốn xây dựng để vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal tới Trung Quốc.

Dự án Sức mạnh Siberia 2 là một phần trong chiến lược của Nga nhằm bù đắp sự mất mát phần lớn doanh số bán khí đốt ở châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine. Đây là dự án tiếp theo đường ống cùng tên hiện cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc và dự kiến đạt công suất theo kế hoạch là 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2025.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Putin, Nga và Mông Cổ được cho là đã ký kết loạt thỏa thuận liên quan đến cung cấp nhiên liệu cũng như thỏa thuận nâng cấp một nhà máy điện của Mông Cổ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ICC đề nghị Mông Cổ thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Putin.

Tháng 3 năm ngoái, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.

RT dẫn các nguồn thạo tin cho hay, chủ nhân Điện Kremlin đã nhận được đảm bảo từ chính phủ Mông Cổ rằng sẽ không có bất cứ vụ bắt giữ nào.

Động thái của Mông Cổ đã vấp phải chỉ trích của Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo Mông Cổ sẽ lĩnh hậu quả vì không thực thi lệnh của ICC.

"Việc chính phủ Mông Cổ không thực hiện lệnh bắt giữ mang tính ràng buộc của ICC là một đòn giáng vào ICC và hệ thống tư pháp hình sự quốc tế... Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng điều này sẽ gây ra hậu quả cho Ulaanbaatar", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Georgy Tykhy nhấn mạnh.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, ICC nên cân nhắc hậu quả nếu có người dám thi hành lệnh bắt giữ.

Theo Reuters, NYT