Nga cảnh báo Anh đừng “đùa với lửa” sau nghi vấn đầu độc cựu điệp viên
(Dân trí) - Đại sứ Nga đã đưa ra cảnh báo cứng rắn với Anh ngay tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc tại Anh.
Theo BBC, một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về nghi vấn cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh đã diễn ra vào ngày hôm qua 5/4. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với những chứng cứ được đưa ra trong vụ việc này. Ông Nebenzia đã chỉ trích Anh ngay tại phiên họp, gọi cáo buộc của London cho rằng Moscow đứng sau vụ đầu độc này là “câu chuyện giả mạo”.
“Chúng tôi đã nói với các đồng nghiệp Anh rằng họ đang đùa với lửa và họ sẽ phải hối hận”, Đại sứ Nebenzia nói.
Khi được hỏi ý của ông là gì khi nói Anh sẽ phải hối hận, Đại sứ Nga cho biết nếu các cáo buộc của Anh là không chính xác, thì “ngay cả một người bình thường cũng nên hối hận vì điều đó”. Đại diện của phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc cũng cáo buộc Anh lôi kéo các nước khác chống lại Nga.
“Quý vị đã tạo ra một làn sóng mà vươn xa đến cả New York”, ông Nebenzia nhấn mạnh.
Phiên họp tại Hội đồng Bảo an do Nga đề xuất sau khi lãnh đạo phòng thí nghiệm bí mật của quân đội Anh ở Porton Down cho biết các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm này không thể xác định nguồn gốc loại chất độc nghi được sử dụng để tấn công cựu điệp viên Nga. Theo Đại sứ Nebenzia, những kết luận của phòng thí nghiệm Porton Down đã phản bác lại các cáo buộc của chính phủ Anh. Ông cũng cho rằng chính các cơ quan mật của Anh đã vội vàng giúp sức cho chính phủ trong việc đưa ra những cáo buộc dựa trên “dữ liệu tình báo”.
Phản bác của Nga
Nhà ngoại giao Nga cũng đặt ra một loạt câu hỏi cho thấy sự mâu thuẫn trong cáo buộc của chính phủ Anh.
“Tại sao chúng tôi phải đợi tới 8 năm rồi sau đó mới quyết định (tấn công cha con ông Skripal) vào thời điểm chỉ 2 tuần trước bầu cử (tổng thống Nga) và vài tuần trước World Cup? Tại sao chúng tôi thả ông ấy (Sergei Skripal)? Tại sao chúng tôi lại làm việc đó (đầu độc) một cách cực kỳ công khai và nguy hiểm như vậy?”, Đại sứ Nebenzia cho biết, đề cập tới vụ trao đổi điệp viên năm 2010 khi ông Skripal được Nga trả tự do sau thời gian giam giữ vì làm gián điệp hai mang cho Anh.
Đại sứ Nebenzia cũng đặt câu hỏi về lý do hai cha con ông Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, loại chất độc được tin là có nguy cơ gây chết người cao nhất, vẫn có thể sống sót sau vụ tấn công này. Theo nhà ngoại giao Nga, điều đó chỉ có thể giải thích rằng họ đã được đưa thuốc giải độc ngay sau khi tiếp xúc với chất độc thần kinh. Tuy nhiên, giới chức Anh khẳng định không có thuốc giải độc vì loại thuốc này vốn không có sẵn. Trong khi đó, theo thông tin do Anh cung cấp, cha con ông Skripal vẫn có thể đi bộ vài giờ đồng hồ sau khi tiếp xúc với chất độc.
Ông Nebenzia cho biết có quá nhiều giả thuyết khác nhau do truyền thông Anh đưa ra liên quan tới cách thức chất độc này tiếp xúc với cơ thể cựu điệp viên Nga.
“Có quá nhiều giả thuyết trong bối cảnh thiếu thông tin thực tế và chứng cứ. Nhà của ông Skripal, tay nắm cửa, bó hoa, bột kiều mạch hay cả lá nguyệt quế?”, Đại sứ Nga đặt câu hỏi.
Ông Nebenzia cũng phản bác cáo buộc của Anh cho rằng chất độc thần kinh Novichok bắt nguồn từ Nga, do vậy Moscow phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Theo nhà ngoại giao Nga, “Novichok không phải là bản quyền của Nga dù rõ ràng chất độc này mang tên Nga”.
Thành Đạt
Tổng hợp