1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ

(Dân trí) - Nga tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không thể bán lại hệ thống phòng không S-400 do Moscow sản xuất cho một bên thứ 3 mà không có sự đồng thuận của Nga.

Nga cấm Thổ Nhĩ Kỳ bán S-400 cho Mỹ - 1

Tổ hợp phòng không S-400 (Ảnh: Sputnik)

Defense News ngày 29/6 đưa tin, Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune đã đề xuất thay đổi luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2021 nhằm cho phép Washington có thể mua tổ hợp S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ bằng ngân sách mua sắm tên lửa của lục quân Mỹ.

Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga hôm 30/6 tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không thể chuyển giao hay tái xuất khẩu S-400 tới một nước thứ 3 mà không có sự đồng ý của Moscow.

“Để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, bên mua vũ khí Nga phải cung cấp tờ khai người dùng cuối cho chúng tôi. Đó là lý do vì sao khách hàng không thể chuyển giao hay tái xuất khẩu những khí tài đó tới một nước khác nếu thiếu giấy tờ chính thức từ Nga”, thông báo cho hay.

Theo Defense News, đề xuất của ông Thune được xem là nhằm giải quyết thế bế tắc giữa 2 đồng minh NATO Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Do Ankara kiên quyết mua S-400, nên Mỹ loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 vì lo ngại vũ khí của Nga sẽ gây ra rủi ro an ninh với tiêm kích tối tân của Washington.

Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ S-400, không sử dụng tổ hợp này, thậm chí đề nghị “phá hủy” S-400 đã mua từ Nga. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ kiên quyết theo đuổi đến cùng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố mua S-400 vì mục đích phòng vệ và họ có quyền làm như vậy với tư cách của một quốc gia độc lập.

Liên quan tới đề xuất của ông Thune, thư ký báo chí của đảng cầm quyền AKP Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik hôm 30/6 nói rằng không có căn cứ pháp lý nào để Ankara có thể tái xuất khẩu S-400 sang Mỹ. Ông Celik nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là "người dùng cuối" của hệ thống phòng không và vì vậy, không có bất cứ cơ sở nào để nước này bán lại hệ thống vũ khí.

S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) hiện được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 4,8 km/s.

Đức Hoàng

Theo Tass