1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng viện chặn đà tiến của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang tại tỉnh Kursk sau các cuộc đột kích của quân đội Ukraine trong 4 ngày qua.

Nga ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng viện chặn đà tiến của Ukraine - 1

Xe quân sự của Nga bốc cháy gần Rylsk ở khu vực Kursk (Ảnh: Moscow Times).

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ngày 9/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Kursk sau cuộc họp của ủy ban chính phủ về phòng chống và xử lý các tình huống khẩn cấp.

"Cuộc thảo luận bao gồm tình hình ở khu vực Kursk do cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine. Một cấp độ phản ứng liên bang đã được thiết lập trong khu vực", tuyên bố cho biết.

Quyền tỉnh trưởng tỉnh Kursk Alexei Smirnov xác nhận "tình hình hoạt động ở Kursk vẫn còn khó khăn".

Theo ông Smirnov, các tổ chức xã hội và hiệp hội dân sự tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh. Con số sơ tán ở Kursk hiện lên tới 3.000 người.

Các cuộc giao tranh ở vùng Kursk của Nga, nơi giáp biên giới Ukraine, đã kéo dài 4 ngày qua.

Rạng sáng 6/8, hàng trăm binh sĩ Ukraine bất ngờ đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga và được cho là đã chọc thủng ít nhất 2 phòng tuyến tại đây.

Hiện chưa rõ quy mô vụ đột kích, song theo các nguồn tin khác nhau, khoảng 2.000 quân Ukraine đã vào biên giới Nga. Các binh sĩ tham gia chiến dịch này đến từ ít nhất 3 lữ đoàn của Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine cũng tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực gần biên giới Nga lên tới 30.000 quân. Ngoài ra, vũ khí hạng nặng của Ukraine được phát hiện và triển khai theo hướng này, bao gồm 3 khẩu pháo M777, 3 pháo HIMARS, 4 xe chở quân Kozak, một số hệ thống tên lửa phòng không Buk, khoảng 10 pháo tự hành và hàng chục xe tăng.

Nga ban bố tình trạng khẩn cấp, tăng viện chặn đà tiến của Ukraine - 2

Vị trí vùng Kursk của Nga (Ảnh: Kyiv Independent).

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/8, thương vong của Ukraine sau các cuộc giao tranh lên tới 945 binh lính. Ngoài ra, Ukraine cũng mất 102 xe bọc thép, trong đó có 12 xe tăng, 17 xe bọc thép chở bộ binh.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, quân đội Nga, với sự hỗ trợ của các cuộc không kích và hỏa lực pháo binh, đã ngăn chặn nỗ lực của Kiev tấn công sâu vào vùng Kursk.

Nga buộc phải tăng viện cho Kursk nhằm đẩy lùi cuộc đột kích mà Moscow chỉ trích là "sự khiêu khích nghiêm trọng".

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay thông báo đang tăng cường lực lượng đối phó Ukraine ở vùng Kursk bằng cách điều xe tăng và các thiết bị quân sự hạng nặng khác đến đây.

"Các đoàn quân di chuyển đến các khu vực thực hiện nhiệm vụ bao gồm hệ thống pháo đa nòng BM-21 Grad, pháo kéo, xe tăng, xe xích hạng nặng, xe Ural và KamAZ", Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đồng thời đăng một đoạn video cho thấy quá trình di chuyển thiết bị quân sự về phía vùng Kursk.

Nga đưa thiết bị quân sự tới vùng Kursk

Chính quyền địa phương ở Kursk thông báo, 5 dân thường, bao gồm một nhân viên y tế, một tài xế xe cứu thương và một phụ nữ mang thai 24 tuổi, đã thiệt mạng và 66 người khác, bao gồm 6 trẻ em, bị thương trong cuộc tấn công của Ukraine.

Video được đăng trên mạng xã hội hôm 9/8 và được Reuters xác minh cho thấy, một đoàn xe tải quân sự Nga bị cháy dọc theo một quốc lộ ở Kursk. Theo Reuters, có thể nhìn thấy khoảng 15 xe tải trong video, bao gồm một xe có ký hiệu Z mà Nga sử dụng làm biểu tượng cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. 

Các chuyên gia đã nhận định một số mục tiêu khiến Ukraine mở chiến dịch đột kích vào biên giới Nga, bao gồm phá hủy trạm khí đốt Sudzha, nơi Nga bơm khí đốt sang châu Âu; chuyển hướng sự chú ý của bộ chỉ huy Nga khỏi vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, phá vỡ tuyến đường sắt cung cấp cho lực lượng Nga tại vùng Kharkov ở Ukraine và khích lệ tinh thần của quân đội Ukraine.

Chính quyền Nga cũng bày tỏ lo ngại về nhà máy điện hạt nhân Kursk, nơi nằm gần khu vực giao tranh và được cho là đã thắt chặt an ninh tại khu vực này.

Giới lãnh đạo Ukraine cho hay, một trong những mục tiêu của cuộc đột kích là gieo rắc "nỗi sợ hãi" vào lòng người dân Nga, nhằm giảm bớt sự ủng hộ dành cho chính phủ của họ và tạo ra một vị thế đàm phán mạnh hơn cho Kiev.

Theo Reuters, RT