Nga bác "tối hậu thư", đáp trả công thức hòa bình của Ukraine
(Dân trí) - Nga tuyên bố việc khởi động tiến trình hòa bình ở Ukraine sẽ vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Moscow.
"Chúng tôi đã lưu ý đến báo cáo của Bộ Ngoại giao. Quan điểm của chúng tôi vẫn không thay đổi: thật vô nghĩa khi nói về việc khởi động tiến trình hòa bình mà không có sự tham gia của Nga", Đại sứ quán Nga tại Thụy Sĩ tuyên bố hôm 2/5.
"Việc tổ chức cái gọi là hội nghị hòa bình trên thực tế không gì khác ngoài việc thông qua "công thức hòa bình" của Kiev, đó là một tập hợp các tối hậu thư. Chúng tôi không chấp nhận tối hậu thư", tuyên bố nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ trước đó thông báo, Bern đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị về Ukraine, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa được mời "tính đến thời điểm hiện tại".
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị ngày 15-16/6 tại Burgenstock nhằm "đưa tiến trình hòa bình trong tương lai đến gần hơn và phát triển các bước đi thực tế hướng tới điều đó".
Chính quyền Thụy Sĩ nói rằng tất cả các nước tham gia "sẽ có thể bày tỏ ý tưởng và tầm nhìn về một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine". Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh rằng các bên tham gia hội nghị về Ukraine sẽ cố gắng xác định lộ trình để cả hai bên xung đột tham gia vào tiến trình hòa bình và thúc đẩy sự hiểu biết chung về khuôn khổ lộ trình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/5 tuyên bố Moscow sẽ không tham gia hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ, hoặc bất kỳ sự kiện nào khác liên quan tới "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
"Nga sẽ không tham gia vào cái gọi là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Thụy Sĩ, hoặc về cơ bản là bất kỳ sự kiện nào thúc đẩy "công thức của Zelensky" giống như tối hậu thư, ngay cả khi chúng tôi được mời tham dự các diễn đàn như vậy", bà Zakharova nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao nhấn mạnh rằng Thụy Sĩ không thể đóng vai trò là nền tảng cho một cuộc đối thoại giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
"Nước này đã mất đi vị thế trung lập, khả năng làm trung gian hòa giải. Họ đứng về phía chính quyền Kiev, tích cực ủng hộ chính quyền này, có quan điểm chống Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại chúng tôi, áp dụng các chiến lược loại trừ Nga khỏi hệ thống an ninh châu Âu", bà Zakharova nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các đối tác không tham gia hội nghị về Ukraine ở Thụy Sĩ để không bị lôi kéo vào các hành động khiêu khích chống Nga mới của Kiev.
Hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ được tổ chức theo đề nghị của Ukraine và dựa trên "công thức hòa bình" 10 điểm mà nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra.
Công thức hòa bình của Kiev kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng "xa rời thực tế".
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.