1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga bác "tối hậu thư", cảnh báo Ukraine đùa với lửa

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cảnh báo các động thái của Ukraine tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia, đồng thời bác "tối hậu thư" của Ukraine về công thức hòa bình.

Nga bác tối hậu thư, cảnh báo Ukraine đùa với lửa - 1

Binh sĩ đứng gác tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ông Alexey Polischuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin Tass hôm 2/11 rằng, những nỗ lực của Ukraine nhằm giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia là điều rõ ràng.

"Nỗ lực đó diễn ra ngay trước chuyến thăm của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tới nhà máy vào ngày 1/9/2022", ông Polischuk cho biết.

"Ukraine không tuân thủ 7 nguyên tắc do (Tổng giám đốc IAEA) Grossi đưa ra nhằm đảm bảo an toàn vật lý và hạt nhân trong một cuộc xung đột vũ trang, cũng như 5 khuyến nghị để đảm bảo an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia. Chúng tôi lên án những hành động như vậy của Kiev và kêu gọi các nước phương Tây đừng nhắm mắt làm ngơ trước những trò chơi nguy hiểm của họ, một trò đùa với lửa, lửa hạt nhân", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.

Theo ông Polischuk, "mọi nỗ lực nhằm kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia đã bị Lực lượng vũ trang Nga đẩy lùi một cách hiệu quả".

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia nằm ở Energodar và là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Nga tiếp quản nhà máy vào ngày 28/2/2022, trong những ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Kể từ đó, các đơn vị quân đội Ukraine thường xuyên tập kích vào các khu dân cư ở Energodar và các cơ sở của nhà máy điện hạt nhân bằng máy bay không người lái, pháo hạng nặng và hệ thống pháo phản lực phóng loạt.

Nga chỉ trích "tối hậu thư" của Ukraine

Ông Polischuk nói với Tass rằng, "cơ hội giải quyết chính trị phụ thuộc vào Kiev, nhưng thật không may, các chính trị gia Ukraine không đủ can đảm và khôn ngoan để làm điều đó".

Ông Polischuk nhấn mạnh rằng Nga chưa bao giờ từ chối lựa chọn đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.

Theo ông Polischuk, vào mùa xuân năm ngoái, Moscow và Kiev đã tổ chức các cuộc đàm phán. Nhà ngoại giao Nga nói rằng, Ukraine ban đầu đề xuất đàm phán, nhưng sau đó chính Kiev lại từ chối đàm phán "theo lệnh của các nhà tài trợ phương Tây".

"Sau đó, về mặt pháp lý, Kiev đã tự ngăn họ tiếp tục đàm phán và đưa ra một loạt tối hậu thư cho Nga với tên gọi "công thức hòa bình". Bây giờ, họ mang "công thức" này đi khắp nơi, cố gắng tăng số lượng người ủng hộ. Nhưng họ không quá thành công", ông Polischuk nói thêm.

Tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".

Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cáo buộc Ukraine đã lật ngược thỏa thuận vào phút chót và chưa thực sự sẵn sàng đàm phán.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Những điểm chính trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky là khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một chiến thuật khác của Mỹ nhằm kích động xung đột ở châu Âu. Theo nhà ngoại giao Nga, bằng cách thúc đẩy công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky, Kiev và phương Tây đang cố gắng hạ thấp các sáng kiến hòa bình khác và độc quyền đề xuất sáng kiến của Ukraine ngay từ đầu.

Theo Tass