1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga bác tin muốn thuê dài hạn bán đảo Crimea

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố Moscow không thảo luận về bất kỳ thỏa thuận "cho thuê dài hạn" nào đối với bán đảo Crimea.

Nga bác tin muốn thuê dài hạn bán đảo Crimea - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: RT).

"Không, điều này không đúng. Crimea là một phần không thể tách rời của Liên bang Nga. Đó là một khu vực của Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 14/6, khi được hỏi về tuyên bố gần đây của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Trước đó cùng ngày, trên kênh truyền hình Russia 1, ông Lukashenko tiết lộ, trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine do Belarus làm trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, hai bên đã thảo luận về phương án cho Nga thuê bán đảo Crimea.

Ông Lukashenko cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho ông xem một dự thảo đề xuất đã được Moscow và Kiev tạm thời chấp nhận vào thời điểm đó. Ông Lukashenko đánh giá đây là đề xuất tốt, bao gồm một số điều khoản Ukraine cho Nga thuê dài hạn Crimea.

"Đó là một đề xuất tốt. Họ đã thảo luận rằng các ngoại trưởng sẽ ký tắt thỏa thuận, sau đó các nguyên thủ quốc gia sẽ quyết định và ký kết. Đó là một tiến trình suôn sẻ, nhưng Ukraine đã từ bỏ", ông Lukashenko cho biết thêm.

Belarus đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine trong nhiều năm, đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán vào năm 2014 và 2015 dẫn đến việc ký kết thỏa thuận Minsk liên quan tới khu vực Donbass.

Sau khi chiến sự nổ ra vào năm ngoái, một số vòng đàm phán hòa bình đã được tổ chức ở Belarus, nhưng các cuộc đàm phán sau đó đã diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc và viễn cảnh hòa bình cho cuộc xung đột vẫn chưa rõ ràng.  

Nga bác tin muốn thuê dài hạn bán đảo Crimea - 2

Bán đảo Crimea nằm ở phía nam Ukraine (Ảnh: NYT).

Trước khi Nga sáp nhập Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014, Moscow đã trả cho Kiev một khoản tiền thuê hàng năm để sử dụng vùng Sevastopol ở Crimea làm căn cứ của Hạm đội Biển Đen.

Thỏa thuận được gia hạn lần cuối vào năm 2010, khi Moscow đưa ra mức giảm giá khí đốt làm điều kiện. Sau khi tình trạng Crimea thay đổi, chính phủ Nga đã tuyên bố hiệp ước vô hiệu.

Chính phủ Ukraine và các bên ủng hộ cho đến nay vẫn không công nhận kết quả trưng cầu dân ý hồi năm 2014 và tuyên bố sẽ giành lại bán đảo Crimea.

Người đứng đầu Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) Kirill Budanov từng nói rằng, quân đội nước này sẽ tiến vào bán đảo Crimea vào khoảng cuối mùa xuân năm nay.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Pravda ngày 9/6, người phát ngôn GUR Andrey Yusov cho biết, mục tiêu mới của Ukraine là tiến công vào bán đảo này trước mùa đông năm nay.

Ông Yusov không đưa ra thời điểm chính xác với lý do các yếu tố khó lường trên chiến trường. Tuy nhiên, ông tin rằng, kế hoạch tiến công của Ukraine vào Crimea sẽ đạt được kết quả đột phá "khi thời tiết ấm lên". 

Mặc dù vậy, giới quân sự và chuyên gia phương Tây hoài nghi về khả năng của Ukraine giành lại Crimea trong tương lai gần.

Theo các tài liệu tình báo bị rò rỉ hồi đầu năm, giới chức tình báo Mỹ cho rằng, những thách thức về nhân lực và thiết bị có thể khiến Ukraine chỉ đạt được những bước tiến khiêm tốn nếu nước này bắt đầu chiến dịch phản công để giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm Crimea.

Theo RT