New York Times: Một ngày, một Trung Quốc và hai quan điểm đối ngoại
Báo "New York Times" ngày 16/5 nhận định Trung Quốc đang rối tung trong các cuộc tranh cãi chủ quyền căng thẳng với Việt Nam và Philippines tại Biển Đông, và với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông.
Trong bối cảnh ấy, hai quan chức hàng đầu của Trung Quốc ngày 15/5 lại đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau về chính sách đối ngoại của nước này.
Trong bài phát biểu tại Hiệp hội Hữu nghị Nhân dân với Nước ngoài (Chinese People’s Association for Friendship With Foreign Countries) ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: "Người dân Trung Quốc luôn yêu chuộng hòa bình, và luôn theo đuổi niềm tin vững chắc vào hòa bình, tình hữu nghị và sự hòa thuận. Người Trung Quốc không có gien xâm lược nước khác hay thống trị thế giới bằng máu, không chấp nhận một logic rằng một quốc gia mạnh cứ phải làm bá chủ, và luôn sẵn sàng sống trong hòa thuận với tất cả người dân trên thế giới trong một sự phát triển hài hòa, cùng nỗ lực vì hòa bình, bảo vệ hòa bình và sống trong hòa bình".
Những bình luận của ông Tập Cận Bình trái ngược hoàn toàn với những tuyên bố cũng đưa ra cùng ngày của Tổng Tham mưu trưởng quân đội nước này, Tướng Phòng Phong Huy, người đang có chuyến thăm tới Lầu Năm Góc và phát biểu tại cuộc họp báo với Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Khi được hỏi về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Phòng trắng trợn tuyên bố: "Chúng tôi không gây rắc rối. Chúng tôi không tạo ra rắc rối. Nhưng chúng tôi không sợ rắc rối. Trong những chủ đề, vấn đề liên quan tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quan điểm của chúng tôi là kiên định".
Bất chấp tất cả các bằng chứng lịch sử đều chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, Tướng Phòng Phong Huy ngang nhiên nói rằng với vùng lãnh thổ tại các đường biên của Trung Quốc mà thế hệ tổ tiên đã để lại, Trung Quốc "không chấp nhận để mất một tấc đất nào".
Trước đó, từ ngày 2/5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan này trái phép trong vùng biển Việt Nam để tiến hành khoan thăm dò và còn huy động khoảng 80 tàu đi cùng, tiến hành các hoạt động gây hấn, tấn công làm hư hại các tàu chấp pháp Việt Nam cũng như làm bị thương các thành viên lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Cho đến nay, bất chấp hàng loạt phản ứng kiên quyết của Việt Nam và những tiếng nói phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan Hải Dương 981 và tiếp tục các hành động hung hăng, gây hấn với các tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Theo T.N