1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nếu xe tăng T-90M Nga đấu M1 Abrams Mỹ ở Ukraine, ai thắng?

Ngọc Huy

(Dân trí) - Dù Mỹ tuyên bố đã chuyển giao M1 Abrams cho Ukraine, nhưng tới nay dòng xe tăng được truyền thông Mỹ và phương Tây quảng cáo là có thể thay đổi cục diện chiến trường vẫn chưa chính thức ra trận.

Nếu xe tăng T-90M Nga đấu M1 Abrams Mỹ ở Ukraine, ai thắng? - 1

Xe tăng T-90M Nga đối đầu M1A1 Abrams Mỹ (Ảnh: Telegram).

Giới quan sát quân sự đang phỏng đoán về khả năng đụng độ thực tế giữa dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) M1A1 Abrams hiện đại của Mỹ với "đối thủ xứng tầm" T-90M Proryv. Xe tăng Nga và Mỹ đều đã có những chiến lệ đáng chú ý và Ukraine có thể là nơi so tài cao thấp giữa 2 dòng xe tăng hàng đầu thế giới.

Hỏa lực: "Viên đạn bạc" DU đối đầu AT-11 Sniper

Xe tăng M1 Abrams rất nổi tiếng với đạn chống tăng dưới cỡ sử dụng thanh xuyên làm từ hợp kim Uranium nén hay DU (Uranium nghèo) danh tiếng. Sức mạnh của loại vũ khí này từng được minh chứng trong chiến tranh Vùng Vịnh khi phá hủy nhiều xe tăng T-54/55 và T-72 phiên bản nội địa Lion Babylon của Quân đội Iraq.

Do đạn DU xuyên phá động năng nên sức công phá sẽ giảm dần ở cự ly lớn, hiệu quả tối ưu là nhỏ hơn 2km, đáp ứng yêu cầu tác chiến phổ biến của Quân đội Mỹ với ưu thế tuyệt đối về không quân và lục quân thường chỉ đóng vai trò là lực lượng tiến vào giải quyết thực địa. Tuy nhiên, Quân đội Ukraine không có lợi thế như Mỹ và đối thủ của M1 Abrams là xe tăng T-90M hiện đại của Nga.

Sức mạnh của xe tăng Nga không phải là cỡ nòng lớn hơn 125mm so với 120mm của Abrams, mà là những loại vũ khí nó được trang bị tối ưu cho khả năng tấn công đối phương ở tầm xa. Đáng kể nhất là tên lửa chống tăng 9M119M Refleks (NATO định danh là AT-11 Sniper) bắn qua nòng pháo chính.

Dòng tên lửa chống tăng bám chùm laser này có tầm bắn hiệu quả từ 4 tới 6km. Như vậy, ngay khi phát hiện ra xe tăng M1 Abrams, T-90M đã có thể tung đòn tấn công trước khi đối thủ kịp cơ động vào tầm bắn hiệu quả.

Với đầu đạn nặng 4,5kg, tên lửa Refleks nếu không tiêu diệt được xe tăng Mỹ, thì hậu quả của sóng xung kích và mảnh văng do vụ nổ gây ra có thể làm hư hại hoặc phá hủy các thiết bị trinh sát, liên lạc và dẫn bắn của xe tăng Abrams để làm giảm khả năng chiến đấu của phương tiện này.

Như vậy, trong cuộc đối đầu trực tiếp, xe tăng Nga sẽ có ưu thế nhờ phương án tấn công đa dạng và có thể vô hiệu hóa đối thủ trước khi chúng kịp phản đòn.

Nếu xe tăng T-90M Nga đấu M1 Abrams Mỹ ở Ukraine, ai thắng? - 2

Xe tăng M1A1 của Mỹ bị phá hủy ở Iraq (Ảnh: Wikipedia).

Khả năng bảo vệ: T-90M nhỉnh hơn

Xét về khả năng bảo vệ vốn đã minh chứng thực tế, xe tăng T-90 và biến thể nâng cấp T-90M rõ ràng có lợi thế hơn hẳn đối thủ đến từ bên kia bờ đại dương.

Hệ thống giáp kết hợp cứng - mềm, gồm giáp composite phức hợp kết hợp với giáp phản ứng nổ Relic và hệ thống phòng thủ chủ động Shtora-S giúp xe tăng T-90M có khả năng sống sót cao hơn so với cơ cấu giáp phức hợp Chobham có gia cường của xe tăng M1 Abrams.

Thực tế tại những chảo lửa Syria và Ukraine, xe tăng T-90 cũng đã minh chứng được khả năng bảo vệ trước các loại tên lửa chống tăng hiện đại như TOW, Javelin bằng con số thiệt hại rất thấp.

Ngược lại, xe tăng Abrams lại có chiến lệ không mấy hoàn hảo, tại một số cuộc xung đột như Iraq, Yemen... chúng vẫn dễ bị tổn thương trước các loại hỏa lực chống tăng vác vai và tên lửa chống tăng. 

Đặc biệt, phiên bản M1 Abrams viện trợ cho Ukraine đã bị cắt giảm hệ thống giáp bảo vệ hợp kim Uranium nên khả năng sống sót của xe cũng suy giảm đáng kể.

Nếu xe tăng T-90M Nga đấu M1 Abrams Mỹ ở Ukraine, ai thắng? - 3

Xe tăng T-90M của Nga bị phá hủy ở Ukraine (Ảnh: Telegram).

Khả năng cơ động: "Hộp sắt" của người Mỹ

Biệt danh "xe tăng bay" được chính các chuyên gia quân sự phương Tây đặt cho xe tăng T-90 vì khả năng cơ động tuyệt vời của nó trong địa hình dã chiến. Và điều này còn được tăng cường đáng kể ở phiên bản T-90M với động cơ mạnh tới gần 1.200 mã lực kết hợp với hộp số tự động.

Thực tế, tư duy thiết kế xe tăng của Liên Xô và Nga đều chú trọng khả năng cơ động cao với thiết kế nhỏ gọn và trọng tâm xe thấp, phù hợp với điều kiện địa hình rộng lớn của đất nước họ, đặc biệt là những bình nguyên trải dài như "vô tận" của Ukraine.

Tư duy này hoàn toàn phù hợp giúp xe tăng có thể cơ động tốt trên nền đất yếu, bùn nhão từng là "đặc sản" cầm chân các đội quân hùng mạnh tấn công vào nước Nga và Liên Xô trong quá khứ.

Với tổng trọng lượng chỉ khoảng xấp xỉ 50 tấn, xe tăng T-90M đã minh chứng khả năng cơ động tốt, kể cả trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt tại Ukraine.

Còn đối với M1 Abrasm, cỗ xe tăng cồng kềnh, nặng tới gần 70 tấn này khó có khả năng cơ động như đối thủ, dù chúng được trang bị động cơ turbin khí mạnh mẽ 1.500 mã lực. Điều đó còn chưa kể tới hệ thống đường sá, cầu cống Ukraine liệu có chịu được tải trọng lớn của xe tăng Mỹ sau gần 2 năm xung đột.

Hệ thống liên lạc - chỉ huy: Kiev chỉ có M1 Abrams cắt giảm tính năng

Các loại vũ khí Mỹ - phương Tây luôn được đánh giá cao với khả năng liên kết dữ liệu, chia sẻ thông tin để tăng hiệu quả tổng thể, trong đó có xe tăng M1 Abrams.

Xét về khía cạnh này, Liên Xô trước đây cũng như Nga ngày nay có phần tụt hậu, nhưng họ đang cải thiện dần trên các dòng xe tăng hiện đại sau này như T-90 hay T-14 Armata.

Tuy nhiên, do lo lắng hệ thống liên lạc và chỉ huy trên xe tăng Abrams có thể bị lộ bí mật nếu rơi vào tay Nga, Mỹ có thể đã loại bỏ hệ thống này khỏi các xe tăng viện trợ cho Ukraine.

Về cơ bản, xe tăng Abrams viện trợ chỉ mang được phần xác của chiến binh thép này, còn "phần hồn" là những công nghệ cốt lõi đã bị loại bỏ. Như vậy, xe tăng T-90M của Nga đang có lợi thế hơn xe tăng M1 Abrams được viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, thành tích thực tế của mỗi dòng xe tăng sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: Trình độ kíp lái, khả năng phối hợp tác chiến, cũng như một phần may mắn.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine