1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO thay đổi mạnh mẽ, Nga cảnh báo đáp trả

Thanh Thành

(Dân trí) - Tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây Ban Nha, các lãnh đạo NATO lần đầu tiên coi Nga là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đối với an ninh và nhất trí hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng vũ trang lạc hậu của Ukraine.

NATO thay đổi mạnh mẽ, Nga cảnh báo đáp trả - 1

Một tòa nhà dân cư tại Ukraine bị hư hại trong vụ tấn công tên lửa hôm 29/6 (Ảnh: Reuters).

Trước tình hình quan hệ với Nga ngày càng xấu đi do cuộc xung đột Ukraine, các nhà lãnh đạo NATO ngày 29/6 đã công bố một "khái niệm chiến lược" mới, phác thảo phản ứng của khối trước điều mà các nước thành viên cho là "mối đe dọa ngày càng gia tăng" từ phía Nga, quốc gia mà họ từng xem là "đối tác chiến lược".

Khái niệm chiến lược mới cũng cho rằng, "một Ukraine mạnh mẽ và độc lập đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của các thành viên NATO". NATO cũng cáo buộc Nga đang thực hiện những hành động nhằm chống lại một cộng đồng xuyên Đại Tây Dương rộng lớn.

Để đạt được mục tiêu đó, NATO đã nhất trí gói viện trợ quân sự và tài chính dài hạn để hiện đại hóa quân đội Ukraine.

"Chúng tôi muốn sống trong một thế giới, nơi chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, nhân quyền, luật pháp quốc tế được tôn trọng và mỗi quốc gia có thể lựa chọn hướng đi riêng của mình, không bị tấn công, đe dọa, cưỡng ép hay lật đổ", tuyên bố của NATO viết.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO đã đồng ý đưa 300.000 quân vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu từ năm 2023, tăng từ 40.000 quân hiện nay, theo một mô hình lực lượng mới để bảo vệ một khu vực trải dài từ Baltic đến Biển Đen. Phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết Kiev cần 5 tỷ USD mỗi tháng để bảo vệ và phòng thủ.

Tại hội nghị thượng đỉnh vốn bị chi phối bởi cuộc xung đột Ukraine, NATO cũng đã mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập và cam kết tăng gấp 7 lần so với năm 2023 các lực lượng chiến đấu trong tình trạng cảnh giác cao dọc theo sườn phía đông trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga trong tương lai.

Việc NATO mời Thụy Điển và Phần Lan có kế hoạch gia nhập liên minh đánh dấu một trong những bước chuyển mình quan trọng nhất trong an ninh châu Âu trong nhiều thập niên khi Helsinki và Stockholm từ bỏ truyền thống trung lập.

Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo triển khai thêm các lực lượng trên bộ, trên biển và không quân trên khắp châu Âu từ Tây Ban Nha ở phía tây đến Romania và Ba Lan giáp biên giới Ukraine.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đang phá vỡ hòa bình và làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh của liên minh và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế Chiến II", Tổng thư ký NATO Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo.

"NATO đã đáp trả bằng sức mạnh và sự đoàn kết", nhà lãnh đạo liên minh quân sự này nói thêm.

Nga cảnh báo đáp trả mạnh mẽ

Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng ở Phần Lan và Thụy Điển sau khi họ gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời Tổng thống Putin nói rằng, ông không thể loại trừ căng thẳng sẽ xuất hiện trong quan hệ của Moscow với Helsinki và Stockholm khi họ gia nhập NATO.

Và khi 30 nhà lãnh đạo các quốc gia NATO nhóm họp tại Madrid, Tây Ban Nha, các lực lượng Nga tiếp tục mở các cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo kích vào khu vực phía nam Mykolaiv gần tiền tuyến và Biển Đen.

Thị trưởng thành phố Mykolaiv cho biết, một tên lửa của Nga đã nhắm trúng một tòa nhà dân cư ở đây, trong khi Moscow cho hay lực lượng của họ đã bắn trúng căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài trong khu vực. Thống đốc tỉnh miền đông Luhansk nói, "xung đột bùng nổ khắp mọi nơi".

Theo CNA