1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO nhất trí tăng cường lực lượng ở Đông Âu để "dằn mặt" Nga

(Dân trí) - Lãnh đạo NATO hôm qua 8/7 đã nhất trí sẽ lần đầu tiên triển khai các lực lượng quân đội tới các nước Baltic và Ba Lan, đồng thời tăng cường tuần tra trên biển, trên không để đảm bảo an ninh cho các đồng minh.


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP)

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: AFP)

Theo đó, NATO quyết định sẽ điều 4 tiểu đoàn với tổng cộng 3.000 đến 4.000 binh sĩ đến đông bắc châu Âu theo cơ chế luân phiên để phòng vệ trước Nga.

Tuy nhiên, NATO cũng sẵn sàng đối thoại với Nga và khôi phục lại các biện pháp xây dựng lòng tin vốn bị hủy hoại kể từ khi Nga nhận sáp nhập Crimea năm 2014 và chống lưng cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.

“Những tiểu đoàn này sẽ rất hùng mạnh và triển khai ở nhiều quốc gia. Sự hiện diện của lực lượng này chỉ ra rõ ràng rằng bất cứ một cuộc tấn công nào nhằm vào đồng minh NATO đồng nghĩa với tấn công vào cả khối”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên làm việc đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Warsaw.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ triển khai khoảng 1.000 binh sĩ tới Ba Lan theo kế hoạch tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung và Đông Âu. Đức sẽ dẫn đầu tiểu đoàn ở Lithuania, Anh dẫn đầu ở Estonia, Canada ở Latvia. Các nước khác trong khối như Pháp chịu trách nhiệm bổ sung binh sĩ. Ông Obama cũng nhấn mạnh, việc Anh có thể rời EU sẽ không làm suy yếu NATO.

Trong một diễn biến liên quan khác, hôm qua NATO cũng chính thức tiếp quản vận hành lá chắn tên lửa do Mỹ xây dựng ở châu Âu.

Hồi tháng 5, Mỹ đã kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania và tiếp đến là kích hoạt lá chắn ở Ba Lan - một phần trong hệ thống phòng thủ của Mỹ ở châu Âu. Địa điểm cuối cùng tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, hoàn thành tuyến phòng thủ vốn được khởi động gần 10 năm trước. Khi hoàn thành, chiếc ô phòng vệ sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Toàn bộ lá chắn tên lửa cũng bao gồm các tàu và radar trên khắp châu Âu.

Như vậy, việc NATO tiếp quản vận hành đồng nghĩa với “các tàu của Mỹ đồn trú ở Tây Ban Nha hay hệ thống radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống đánh chặn ở Romania hiện có thể phối hợp hoạt động theo sự chỉ huy của NATO”, ông Stoltenberg nói. Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh, lá chắn này chỉ mang tính chất phòng vệ và không hề đe dọa an ninh của Nga.

Tuy nhiên, Nga vẫn cho rằng lá chắn này là mối đe dọa lớn với họ. Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua 27/5 cảnh báo có thể đặt Ba Lan và Romania trong tầm ngắm tên lửa vì cho phép Mỹ triển khai lá chắn tên lửa.

Minh Phương

Tổng hợp