1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga mở thêm căn cứ hải quân mới ở Biển Đen để đối phó với NATO

Hải quân Nga sẽ mở một căn cứ mới ở thành phố Novorossiysk trên bờ Biển Đen dành cho tàu ngầm lớp Varshavyanka (Dự án 636.6) được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, hãng tin RBTH đưa tin ngày 29-6.

Bộ Quốc phòng Nga đang hoàn tất xây dựng 3 bến tàu ngầm cuối cùng ở cảng Novorossiysk trên Biển Đen cách phía Nam thủ đô Moscow khoảng 1.496km. Theo nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga, căn cứ mới của Hạm đội Biển Đen sẽ có 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka.

Mỗi tàu ngầm được trang bị ngư lôi có thể tấn công tàu chiến trên mặt biển và tên lửa hành trình Kalibr đã thể hiện sức mạnh trong hoạt động chống khủng bố ở Syria, có khả năng bắn phá mục tiêu ở khoảng cách lên đến 2.500km.

Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga
Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga

Theo nguồn tin, Nga quyết định triển khai thêm một căn cứ trên Biển Đen có liên quan đến hoạt động ngày càng gia tăng của các tàu chiến NATO trong vài năm qua.

“Triển khai tàu ngầm lớp Varshavyanka ở Novorossiysk cho phép Nga kiểm soát mọi mối đe dọa ở châu Âu và Trung Đông”, nguồn tin cho biết.

Hạm đội Biển Đen tập trận
Hạm đội Biển Đen tập trận

Ban đầu, căn cứ mới trên bờ Biển Đen được xây dựng do sự bất đồng trong quan hệ Nga-Ukraina sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Trong giai đoạn từ năm 1991, căn cứ Hải quân ở Crimea được bàn giao cho Moscow theo một hợp đồng thuê, tuy nhiên mọi hoạt động nâng cấp phải trình, phối hợp với Quốc hội Ukraina.

Theo chuyên gia phân tích quân sự chuyên viết và bình luận cho Thông tấn TASS, Viktor Litovkin, chính sách của Ukraina sau khi Liên xô tan rã buộc Nga phải “rời bỏ” Crimea, nhưng kể từ khi bán đảo này sáp nhập vào Nga năm 2014, tình hình lập tức biến đổi và thay đổi quy mô đầy đủ của Hạm đội Biển đen bắt đầu.

Hạm đội Biển Đen tập trận
Hạm đội Biển Đen tập trận

“Vịnh Sevastopol cho Moscow cơ hội bất khả xâm phạm. Cùng với căn cứ mới ở Novorossiysk, Nga có thể hoàn toàn kiểm soát eo biển Bosphorus, cơ sở hạ tầng quân sự ở Bulgaria cũng như vô hiệu hóa các mối đe dọa từ căn cứ tên lửa Mỹ đặt ở Romania”, ông Litovkin cho biết.

Theo ông Alexander Khramchikhin, giám đốc Viện Khoa học Chính trị và Phân tích Quân sự Nga, mối đe dọa chính từ hệ thống tên lửa Mỹ đặt ở Đông Âu buộc Nga phải chuyển đổi một căn cứ phòng thủ thành một căn cứ chủ động tấn công trong mọi tình huống.

Theo Phạm Trúc

Công an nhân dân