1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

NATO nỗ lực hòa giải với Nga trước thềm Hội nghị thượng đỉnh

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có cuộc đối thoại thẳng thắn với Nga sau khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) kết thúc...

... Đồng thời NATO cũng sẽ thay đổi quan hệ với Điện Kremlin, chuyển từ chính sách dựa trên cơ sở “cố gắng không chọc giận Nga” sang chính sách kiềm chế, ngăn chặn.

Tuyên bố này đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra trong cuộc họp báo diễn ra chiều 4-7 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Tổng thư ký NATO nêu rõ, Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này diễn ra trong bối cảnh tổ chức này đang đối mặt với các thách thức và mối đe dọa từ nhiều phương diện khác nhau. Vì thế, NATO sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của liên minh, đồng thời thúc đẩy sự ổn định bên ngoài biên giới NATO.

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, các quyết định của NATO đưa ra trong thời điểm này chỉ nhằm bảo vệ các đồng minh chứ không có mục đích tạo thêm căng thẳng ở châu Âu. Cụ thể, NATO sẽ thực hiện kế hoạch tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Đội quân của NATO cũng phải được cải tổ để cơ động hơn, mạnh hơn và sẵn sàng chiến đấu hơn. NATO cũng dự định sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự ở phần biên giới phía Đông của tổ chức này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: CDM
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: CDM

Tổng thư ký NATO còn lý giải rằng, các nhà lãnh đạo NATO trong cuộc họp tới sẽ nhất trí triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan; tăng cường hiện diện tại phía Đông Nam thông qua các biện pháp như bổ sung một lữ đoàn đa quốc gia tại Romania. Việc tăng cường an ninh mạng, củng cố khả năng chiến đấu cũng như phòng thủ trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo cũng được bàn tới.

Đối với các quốc gia láng giềng, ông Jens Stoltenberg cho biết, NATO sẽ có cách ứng phó phù hợp và hiệu quả. Mục tiêu hàng đầu của NATO là phải ủng hộ và hỗ trợ các nước láng giềng ổn định an ninh bởi như vậy thì NATO mới ổn định được. Chẳng hạn, với Ukraine, Gruzia và Moldova, NATO sẽ tăng cường sự hỗ trợ. Riêng với Iraq và Afghanistan, NATO sẽ phải thống nhất lại chương trình hành động đối với các quốc gia thành viên và bàn thảo về việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia này trong vấn đề an ninh, hỗ trợ đào tạo cho lực lượng an ninh để chống khủng bố…

Riêng đối với Nga, Tổng thư ký NATO cho biết, NATO sẽ tiến hành hội nghị với Nga ngay sau Hội nghị thượng đỉnh của khối. Chủ đề chính của cuộc họp Hội đồng Nga-NATO sẽ liên quan đến vấn đề “minh bạch và giảm nguy cơ”. Ông Jens Stoltenberg khẳng định: “NATO sẽ tiếp tục hành động một cách minh bạch và có trách nhiệm, đồng thời luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga. Hội đồng Nga-NATO từng đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến các cuộc đối thoại để trao đổi thông tin, nhằm giảm căng thẳng giữa các bên và tăng cường khả năng dự báo”.

Nguồn tin từ hãng Ria Novosti thì khẳng định, Hội đồng Nga-NATO sẽ thảo luận về các biện pháp an toàn bay trên biển Baltic (trong đó gồm các giải pháp về yêu cầu máy bay quân sự Nga bật hệ thống nhận và phát tín hiệu) và ngăn ngừa khả năng xung đột ở vùng Baltic.

Trong khi đó, nhiều quan chức cấp cao khác của NATO thì cho biết, NATO đã xác định là Nga có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Ukraine và một loạt vấn đề khác ở châu Âu. Vì thế, sau Hội nghị thượng đỉnh lần này, NATO cũng sẽ thay đổi quan hệ với Điện Kremlin, chuyển từ chính sách dựa trên cơ sở “cố gắng không chọc giận Nga” sang chính sách kiềm chế ngăn chặn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, Hội nghị Thượng đỉnh NATO và cuộc họp Hội đồng Nga-NATO lần này không có nhiều “màu hồng” như Tổng thư ký NATO đã tuyên bố.

Ngược lại, đám mây đen ảnh hưởng đến quan hệ giữa tổ chức này với chính quyền Moscow đang ngày càng mở rộng. Các nhà lãnh đạo NATO đang định xây dựng một lực lượng răn đe để khiến Nga “quên đi việc đe dọa” các quốc gia khác muốn gia nhập NATO.

Trước mắt, bóng đen đầu tiên được cho là có tác động mạnh chính là sự tham dự của Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Phần Lan. Hiện Nga đã đưa ra cảnh báo sắc lạnh về hành động của nước này trong trường hợp Phần Lan gia nhập NATO. Hôm 4-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Phần Lan không nên gia nhập NATO và khẳng định rằng, việc gia nhập NATO chỉ nhằm chống lại Nga.

Theo Gia Nam

Công an nhân dân