1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO muốn lập "Schengen quân sự", Nga cảnh báo đanh thép

Quốc Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin cho rằng những tuyên bố của NATO về khả năng thành lập khu vực "Schengen quân sự" có thể dẫn đến leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga.

NATO muốn lập Schengen quân sự, Nga cảnh báo đanh thép - 1

Đoàn xe vận tải bộ binh Stryker của Mỹ trong cuộc tập trận của NATO tại Đức. NATO đang muốn lập khối "Schengen quân sự" để đối phó Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

"Liên minh ấy (chỉ NATO -PV) luôn coi đất nước chúng tôi là kẻ thù trên danh nghĩa. Hiện họ coi đất nước chúng tôi là kẻ thù rõ ràng. Đây không gì khác hơn là sự kích động căng thẳng ở châu Âu và sẽ có hậu quả của nó", TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin nói ngày 24/11.

Ông Peskov trả lời như trên sau khi được hỏi liệu Điện Kremlin có cho rằng đề xuất "Schengen quân sự" của NATO có nguy cơ làm dẫn đến xung đột vũ trang giữa Nga và châu Âu hay không, hay chỉ đơn thuần là một bước leo thang nữa giữa khối này và Nga.

Trước đó, Giám đốc Hậu cần NATO Alexander Sollfrank nói mình muốn thấy một khu vực "Schengen quân sự" cho phép nhân vật lực quân sự tự do di chuyển khắp châu Âu, tương tự khối Schengen chính trị cho phép người dân đi lại tự do ở phần lớn các nước EU.

"Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không làm trong thời bình sẽ không sẵn có khi xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh", Reuters dẫn lời tướng Sollfrank nói.

NATO muốn lập Schengen quân sự, Nga cảnh báo đanh thép - 2

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: TASS).

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định rằng Nga chắc chắn sẽ phản ứng trước các động thái của NATO.

"Điều này không thể không gây ra lo ngại cho chúng tôi và cũng không thể không làm phát sinh các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh của chúng tôi", ông Peskov nhấn mạnh.

Theo TASS, Liên minh châu Âu và NATO đã bắt tay tạo ra "Schengen quân sự" từ năm 2017.

Thành tố chính của sáng kiến này là việc thiết lập các dự án để mở rộng và củng cố cơ sở hạ tầng giao thông châu Âu (bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hầm, cầu cảng và sân bay) để có thể vận chuyển khí tài quân sự hạng nặng trên nhiều tuyến giao thông nhất có thể.

Đồng thời, các nước châu Âu bắt đầu thảo luận về cách thống nhất quy định vận chuyển vật tư quân sự và hàng hóa nguy hiểm, đặc biệt là chất nổ, trên các tuyến đường của họ.

Những biện pháp này nhằm mục đích tạo ra "Schengen quân sự", cho phép các đoàn xe quân sự di chuyển khắp châu Âu chỉ với một giấy phép duy nhất.

Theo TASS, RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm