1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

NATO mở đường cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, Moscow đáp trả đanh thép

Thành Đạt

(Dân trí) - Moscow cho rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã vượt quá thẩm quyền khi mở đường cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

NATO mở đường cho Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, Moscow đáp trả đanh thép - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Sputnik).

"Tôi nghi ngờ rằng tổng thư ký có thể đã tự mình phát biểu thay mặt cho các thành viên của khối trước khi vấn đề này được thảo luận trong NATO. Tôi tin rằng ông ấy đã bước ra ngoài quyền hạn của mình", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm 27/5.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước đã kêu gọi các nước phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa nhằm cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Nga. Ông kêu gọi các đồng minh NATO dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại Nga.

"Đã đến lúc các đồng minh xem xét liệu họ có nên dỡ bỏ một số hạn chế (về việc sử dụng vũ khí) hay không", ông Stoltenberg nói với Economist.

Theo tổng thư ký NATO, "việc ngăn Ukraine có khả năng sử dụng những vũ khí này chống lại các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga khiến họ rất khó tự vệ".

Tuy nhiên, ông Stoltenberg hôm 26/5 khẳng định "NATO sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột". Người đứng đầu NATO nói với báo Welt am Sonntag của Đức rằng khối này không có kế hoạch gửi quân hoặc bảo vệ Kiev thông qua việc mở rộng "lá chắn phòng không của NATO tới Ukraine".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 27/5 tuyên bố, phát biểu của ông Stoltenberg có thể được coi là lập trường chính thức của toàn bộ khối quân sự do Mỹ đứng đầu và Nga sẽ phản ứng tương xứng.

"Đây không thể là ý kiến cá nhân của ông ấy. Ông ấy là một quan chức, ông ấy là Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và đó là cách chúng tôi nhìn nhận. NATO ngày càng gia tăng mức độ leo thang", ông Peskov cảnh báo.

Theo ông Peskov, những bình luận sau đó của ông Stoltenberg rằng NATO "sẽ không trở thành một phần của cuộc xung đột" khá "mâu thuẫn", vì khối quân sự này trên thực tế từ lâu đã là một bên tham gia xung đột và đối đầu trực tiếp với Nga.

Tuyên bố của tổng thư ký NATO cũng vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên.

Các quan chức cấp cao của Italy, bao gồm Thủ tướng Giorgia Meloni, đã bác bỏ lời kêu gọi công khai của ông Stoltenberg về việc thay đổi chính sách cấp vũ khí cho Ukraine.

"Tôi không biết tại sao ông Stoltenberg lại nói như vậy, tôi nghĩ chúng ta phải hết sức cẩn thận", nhà lãnh đạo Italy nói với truyền thông địa phương.

Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini cho rằng người đứng đầu NATO "không thể thay mặt người dân Italy phát biểu", đồng thời kêu gọi ông "sửa chữa những nhận xét của mình hoặc từ chức".

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trì hoãn việc gửi vũ khí tầm xa tới Ukraine trong những ngày đầu xung đột, với lý do lo ngại khả năng gây ra một cuộc chiến rộng hơn. Sau đó, khi các loại vũ khí tiên tiến hơn được phương Tây gửi cho Ukraine, đi kèm với các điều kiện, bao gồm lệnh cấm sử dụng những vũ khí này tấn công lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, quan điểm về những hạn chế đó đã thay đổi khi lực lượng Nga giành được lợi thế trên chiến trường.

Sau khi có chuyến thăm tới Kiev hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken được cho là đã bắt đầu thúc giục chính quyền Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ khi thấy phù hợp.

Một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vào đầu tuần này, thúc giục ông trao cho Ukraine những quyền mà họ yêu cầu, bao gồm quyền tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ.

Theo RT