1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

NATO "mất ngủ" vì Thổ tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Cuộc đảo chính hụt đêm 15 rạng sáng 16-7 không chỉ làm thay đổi mạnh mẽ cục diện chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, nó còn khiến cho Brussels lo lắng cho an ninh chung của khối, và làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa nước này với khối quân sự NATO, do nhiều vấn đề phát sinh sau đảo chính.

Khi cuộc đảo chính bắt đầu nổ ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, các lãnh đạo ở Bắc Mỹ và châu Âu đã "nín thở" theo dõi diễn biến cả trong và sau đảo chính. Lý do không chỉ vì Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc khu vực, mà còn vì Thổ là một phần quan trọng trong liên minh quân sự này.

Trước hết, sự bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra hiệu ứng an ninh lan truyền trong toàn khối. Đất nước 79 triệu dân này là quốc gia lớn thứ ba trong khối NATO. Với quân số 426.000 người, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được xem là lớn thứ hai trong khối. Thổ Nhĩ Kỳ lại có vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng, án ngữ ngay cửa ngõ từ châu Âu sang khu vực Trung Đông và các khu vực khác ở Tây và Trung Á.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) vẫn ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) vẫn ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong khối NATO xảy ra đảo chính. Kể từ khi khối quân sự này thành lập vào năm 1949 đến nay đã từng có nhiều cuộc đảo chính thành công tại Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và cuộc đảo chính thất bại tại Italia. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã có 4 cuộc đảo chính kể từ năm 1960, lần gần đây nhất là vào năm 1997, khi đất nước này xảy ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Cuộc đảo chính lần này thất bại càng làm xấu đi hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong cộng đồng quốc tế, nhất là khi Chính phủ của Tổng thống Erdogan tiến hành một cuộc "đại thanh trừng" quy mô lớn chưa từng có.

Theo con số thống kê mới nhất, hơn 60.000 người bao gồm đủ các thành phần từ công chức nhà nước cho đến binh sĩ và tướng tá chỉ huy quân đội, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên và giáo viên, giảng viên các trường đại học bị bắt, bị sa thải hoặc bị buộc phải xin thôi việc. Trong số này có 1.577 hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng công lập và tư thục, hơn 20.000 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 6.000 binh sĩ và hơn 100 tướng lĩnh chỉ huy quân đội; 2.700 thẩm phán, công tố viên.

Nhưng Ankara chưa dừng lại đó. Cuộc "đại thanh trừng" vẫn đang được tiến hành ngày càng khốc liệt hơn khi người của Tổng thống Erdogan trong hàng ngũ quân đội vẫn đang tiếp tục tiến hành cuộc truy lùng gắt gao những kẻ được cho là chủ mưu và tổ chức cuộc đảo chính. Khi chưa tìm được kẻ chú mưu chính, cuộc tìm kiếm sẽ còn tiếp tục, và những hành động đó chắc chắn còn gây ra những hậu quả lớn hơn.

Ngày 20-7, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài trong 3 tháng. Trong 3 tháng này, Tổng thống Erdogan và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể điều hành đất nước bằng các sắc lệnh, chỉ thị trực tiếp. Điều này cho phép Tổng thống Erdogan có thể thẳng tay xử lý những kẻ mà ông cho là "khủng bố", là có liên quan đến phong trào Hizmet của giáo sĩ Fethullah Gulen.

Ngày 21-7, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đã đăng tuyên bố của Phó Thủ tướng Numan Kurtulmus rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét việc "tạm treo" Công ước Nhân quyền châu Âu để thuận tiện cho việc thi hành các biện pháp mạnh tay trong tình trạng khẩn cấp.

Ông Kurtulmus đã viện dẫn việc nước Pháp cũng từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau vụ khủng bố ngày 13-11-2015 theo quy định tại Điều 15 của Công ước Nhân quyền châu Âu, và Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn làm điều tương tự.

Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp cứng rắn và "thanh trừng" quy mô lớn trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh ở châu Âu. Mỹ và Liên minh châu Âu đã lên tiếng kêu gọi Ankara hành động một cách kiềm chế, tuân thủ các nguyên tắc pháp luật và bảo đảm tôn trọng nhân quyền khi tiến hành các hành động trừng phạt sau đảo chính.

Ủy viên đối ngoại châu Âu, bà Federica Mogherini cũng đã tuyên bố EU sẽ xem xét lại tiến trình đàm phán thành viên với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và những điều ước quốc tế về nhân quyền đã tham gia ký kết.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu hôm 18-7 rằng, NATO sẽ xem xét kỹ việc Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ đúng các tiêu chuẩn dân chủ hay không khi tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ, sa thải quy mô lớn. Quy mô của cuộc "đại thanh trừng" còn khiến cho Cao ủy viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Ra'ad al-Hussein phải bày tỏ "báo động nghiêm trọng" về những hậu quả khôn lường của nó, và yêu cầu chính quyền Ankara phải tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền cơ bản.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini trong cuộc họp báo chung hôm 18-7.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ủy viên đối ngoại EU Federica Mogherini trong cuộc họp báo chung hôm 18-7.

Ảnh hưởng từ hành động truy lùng kẻ chủ mưu đảo chính chắc chắn sẽ còn tác động lên nhiều mặt trong mối quan hệ giữa nước này với Mỹ, NATO, châu Âu, làm phức tạp mối quan hệ giữa NATO và Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các quân nhân và tướng lĩnh bị bắt sau đảo chính có tướng Bekir Ercan Van, Chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Incirlik, cùng hơn 10 quân nhân tại căn cứ này. Tướng Van và các quân nhân bị cáo buộc đã góp sức bằng cách tiếp tế nhiên liệu cho chiến đấu cơ F-16 của lực lượng đảo chính thực hiện cuộc quần thảo trên bầu trời Ankara đêm 15-7.

Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành việc bắt giữ tướng Van, căn cứ Incirlik đã bị đóng cửa tạm thời trong 24 tiếng và đã hoạt động trở lại vào ngày Chủ nhật 17-7. Cần biết rằng, Căn cứ Incirlik là không chỉ đầu mối chủ yếu của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Syria và Iraq, mà quan trọng nhất là Căn cứ này là nơi đóng quân của hơn 2.500 quân Mỹ, đồng thời là nơi Mỹ và NATO đang duy trì một lượng khá lớn vũ khí quy ước và cả vũ khí hạt nhân.

Tướng Bekir Ercan Van, Chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Incirlik bị bắt, gây lo ngại trong khối NATO về hoạt động quân sự và an toàn cho kho vũ khí tại căn cứ này.
Tướng Bekir Ercan Van, Chỉ huy trưởng Căn cứ Không quân Incirlik bị bắt, gây lo ngại trong khối NATO về hoạt động quân sự và an toàn cho kho vũ khí tại căn cứ này.

Cho đến nay, vẫn chưa có lời đáp cho câu hỏi "Ai là chủ mưu thật sự của cuộc đảo chính?". Ankara đang quy trách nhiệm cho giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, vì những người theo trường phái tư tưởng của ông đã thực hiện cuộc đảo chính. Tổng thống Erdogan đã lên tiếng yêu cầu Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước để xét xử, đồng thời vận động Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ (do đảng cầm quyền chiếm đa số) cho áp dụng lại hình phạt tử hình nhằm xử lý mạnh tay đối với giáo sĩ Gulen và những người tham gia cuộc đảo chính.

Trong một phát biểu trước công chúng, Tổng thống Erdogan đã "nhắn gửi" điều này tới Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thủ tướng Binali Yildirim còn nặng lời hơn khi tuyên bố rằng việc không dẫn độ Gulen sang Thổ Nhĩ Kỳ là "một hành động chiến tranh"; còn Bộ trưởng Lao động Suleyman Soylu thì tố một cách hùng hồn "Mỹ đứng sau cuộc đảo chính".

Đáp lại những lời phát biểu nóng rát này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng những phát biểu như thế là "vô trách nhiệm", rằng Mỹ sẵn sàng đáp ứng nếu Thổ Nhĩ Kỳ chính thức yêu cầu, đồng thời việc bắt và dẫn độ giáo sĩ Gulen phải tuân thủ đúng quy trình, chuẩn mực pháp luật của nước Mỹ và quốc tế, phải có đủ bằng chứng chứng minh tội phạm, và sẽ phải tốn rất nhiều thời gian.

Cao ủy viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Raad al Hussein.
Cao ủy viên Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Zeid Raad al Hussein.

Ngày 19-7, Tổng thống Obama đã gọi điện thoại bày tỏ "sự ủng hộ" đối với Tổng thống Erdogan. Đây là những cuộc điện thoại đầu tiên được ông Obama thực hiện trở lại kể từ năm 2011, khi ông Erdogan bắt đầu thực hiện tham vọng thâu tóm quyền lực. Sự "ủng hộ" đó được đánh giá là có phần gượng ép, bởi vì trên thực tế Nhà Trắng đang có thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này triển khai chiến dịch "đại thanh trừng" quy mô chưa từng có sau đảo chính, mà ẩn sâu đằng sau đó lại là tham vọng thâu tóm quyền lực tuyệt đối của ông Erdogan.

Xét cho cùng thì sự ủng hộ đó cũng có lý do nhất định. Những gì ông Erdogan đang làm có thể gây thất vọng, nhưng dù sao cũng tốt hơn một số đồng minh khác trong khu vực Trung Đông đầy biến động. Trên hết, giá trị và tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ và cả khối NATO là nguyên nhân chính để ông Obama dù không muốn nhưng vẫn phải ủng hộ ông Erdogan nhằm duy trì sự ổn định cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm bảo đảm an ninh ổn định cho khối NATO, và duy trì cuộc chiến chống IS cho đến khi đạt mục đích cuối cùng.

Theo An Châu (tổng hợp)

An ninh thế giới