1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

NATO áp sát khiến Nga không thể trì hoãn

Theo TASS, ngày 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẽ thành lập 3 sư đoàn mới tại Quân khu miền Tây nước này.

Lực lượng nào được thành lập?

Ông Sergei Shoigu cho biết, ba sư đoàn quân sự sẽ được thành lập trong năm 2016 tại Quân khu miền Tây. “Tôi không thể trì hoãn việc thành lập 3 sư đoàn mới cho Quân khu miền Tây bởi đây là nhiệm vụ tối quan trọng”, Bộ trưởng Shoigu tuyên bố.

Dù tuyên bố thành lập 3 sư đoàn mới nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga không nói cụ thể các sư đoàn trên là những sư đoàn nào, nhưng nhấn mạnh tới sự rất cần thiết của việc xây dựng các kho đạn dược, nơi ăn chốn ở và hậu cần cho binh lính Nga.

Tuy nhiên theo những thông tin trước đó từng được Nga tiết lộ cho thấy, nhiều khả năng 3 sư đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói đến chính là lực lượng tăng thiết giáp.

Thông tin này được Defence News dẫn lời chỉ huy lực lượng Lục quân Nga, ông Mikhail Matveyevsky cho biết. Trong 3 năm ông Sergei Shoigu giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã trải qua nhiều thay đổi căn bản. Tổng cộng 8 đơn vị lớn, 25 sư đoàn và 15 lữ đoàn mới đã được thành lập.

“Nhằm xây dựng khả năng chiến đấu của lực lượng bộ binh, các đơn vị pháo binh và tên lửa mới sẽ được thành lập cho đến năm 2021”, ông Matveyevsky cho hay.

Vào năm 2014, Bộ Chỉ huy chiến lược miền Bắc đã được hình thành trên cơ sở Hạm đội phương Bắc của Nga. Vào mùa hè năm 2015, không quân và lực lượng phòng thủ không gian Nga hợp nhất thành binh chủng không gian vũ trụ.

Vào cuối năm 2014, một trung tâm kiểm soát phòng thủ quốc gia được đi vào hoạt động, nhằm giám sát tình hình thế giới và điều phối hoạt động của quân đội Nga bên trong lãnh thổ nước này.

Nga cũng tập trung vào phát triển Quân khu phía Tây với việc thành lập thêm đơn vị phòng không - không quân Leningrad số 6 và 14, chịu trách nhiệm bảo vệ 28 vùng lãnh thổ và 3.000km đường biên giới. Quân khu phía Tây sẽ thành lập thêm một đơn vị xe tăng mới vào đầu năm 2016, ông Mikhail Matveyevsky tiết lộ tại thời điểm cuối tháng 11/2015.

Như vậy, sau khi gia cố sườn Tây của mình bằng hàng loạt vũ khí phòng không và không quân, Nga đã tăng cường sức mạnh tấn công mặt đất - một quyết định "không thể trì hoãn" với Nga lúc này.

Lực lượng tăng thiết giáp Nga trong một cuộc tập trận.
Lực lượng tăng thiết giáp Nga trong một cuộc tập trận.

NATO khiến Nga lo lắng

Những động thái nói trên của Nga được thực hiện sau tuyên bố hồi cuối tháng 12/2015 rằng nước này sẽ buộc phải đáp trả kế hoạch mở rộng của NATO, sau khi liên minh quân sự này mời Montenegro - một nước láng giềng của Nga, gia nhập vào tổ chức của họ, trở thành thành viên thứ 29 của NATO.

Lời mời của NATO dành cho quốc gia Balkan nhỏ bé được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang đối đầu căng thẳng với Moscow vì một loạt vấn đề. Đặc biệt, liên minh quân sự phương Tây đang phản ứng với cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng việc tăng cường hiện diện quân sự ở sát nách Nga.

Không chỉ có kế hoạch tăng cường thành viên áp sát Nga, NATO còn tổ chức điều chuyển binh sĩ quy mô lớn tại sườn Đông của mình. Theo RT, bắt đầu từ ngày 18/11/2015, NATO tiến hành đợt triển khai quân thử nghiệm đầu tiên tại Baltic từ một trung tâm chỉ huy đóng tại Anh.

Việc điều binh giả định sát biên giới Nga của NATO nhằm sát hạch tiềm lực của lực lượng Phản ứng nhanh của Đồng minh (ARRC), để điều khiển các đội hình lớn "trong một cuộc khủng hoảng an ninh đầy thách thức".

Trong đợt điều binh thử nghiệm này cũng bao gồm một cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Arrcade Fusion 15 (AF15) kéo dài hai tuần với sự tham gia của 1.700 lính từ 20 quốc gia NATO và Thụy Điển, tiến hành tại ba quốc gia Baltic là Estonia, Lithuania và Lativa.

Được biết, Arrcade Fusion là hoạt động tập trận diễn ra thường niên kể từ năm 1992. Các tuyên bố chính thức của chương trình quân sự này cho biết, đây chỉ là hoạt động mang tính "giả tưởng" với "các mối đe dọa an ninh toàn cầu hiện hữu" và chỉ trên máy tính.

“Mục tiêu của chúng tôi là nhằm đánh giá khả năng triển khai quân, các ý niệm chung nổi lên khi thử nghiệm có thể được sử dụng để phát triển Lực lượng Đặc nhiệm chung có độ sẵn sàng rất cao của NATO (VJTF) và củng cố mối quan hệ đối tác với các đồng minh, đặc biệt là với các nước trong khu vực Baltic”– Tướng Tim Evans, Tư lệnh sở chỉ huy ARRC cho biết.

ARRC có thể chỉ huy và điều khiển các lực lượng NATO với quy mô từ một lữ đoàn có hàng ngàn binh sĩ cho tới một quân đoàn có trên 60.000 binh sĩ. Ngoài ra, ARRC còn là "trung tâm chỉ huy có khả năng triển khai" ngay lập tức, trong trường hợp NATO cần di chuyển quân sau khi có thông báo 48 giờ đồng hồ.

Theo Mỹ Đức

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm