1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Na Uy tính xây đường hầm dưới biển xuyên núi đầu tiên trên thế giới

(Dân trí) - Na Uy ngày 5/4 đã công bố kế hoạch xây đường hầm dưới biển đi xuyên qua núi đầu tiên trên thế giới nhằm tránh những vùng biển nguy hiểm từng đe dọa tính mạng của những nhà thám hiểm trước đây.

Mô hình đường hầm Stad (Ảnh: AFP)
Mô hình đường hầm Stad (Ảnh: AFP)

Kế hoạch xây đường hầm dưới biển để đi vòng qua bán đảo Stad, khu vực thường xuyên bị bão quét qua ở phía tây Na Uy, đã được Bộ trưởng Giao thông Na Uy Ketil Solvik-Olsen thông báo trong buổi công bố chương trình giao thông toàn diện giai đoạn 2018-2029 hôm 5/4.

Đường hầm Stad chạy ngầm dưới biển và xuyên núi đầu tiên trên thế giới sẽ kéo dài khoảng 1,7 km và rộng 36m. Đường hầm này sẽ giúp việc di chuyển của tàu thuyền qua một số khu vực trở nên an toàn hơn.

“Đường hầm Stad dành cho tàu thuyền sẽ được xây dựng. Chính phủ sẽ giúp các chuyến hành trình vận chuyển hàng hóa dọc bờ biển Na Uy trở nên an toàn và chắc chắn hơn khi đi qua một số vùng biển nguy hiểm và khắc nghiệt nhất”, Bộ trưởng Solvik-Olsen cho biết.


Bản đồ chỉ vị trí của đường hầm Stad (đường màu vàng) (Ảnh: Stuff.co.nz)

Bản đồ chỉ vị trí của đường hầm Stad (đường màu vàng) (Ảnh: Stuff.co.nz)

Vùng biển Bắc thường có gió mạnh ở khu vực ngoài khơi bán đảo Stad và nhiều tàu thuyền phải chờ cho đến khi bão tan mới có thể tiếp tục hành trình qua khu vực này. Một số thủy thủ Vikings trước đây, vốn là những người dày dặn kinh nghiệm vượt biển, cũng tránh đi thuyền qua khu vực này. Thay vào đó, họ phải vận chuyển thuyền trên đường bộ.

Đường hầm dành cho tàu thuyền đã được xây dựng ở nhiều nơi trên thế giới như đường hầm Canal du Midi ở Pháp, nhưng Stad sẽ là đường hầm đầu tiên cho phép các tàu chở khách và hàng hóa có trọng tải lên tới 16.000 tấn di chuyển qua, bao gồm cả tàu tốc hành Bergen-Kirkenes Coastal Express nối giữa miền bắc và miền nam Na Uy.

Chính phủ Na Uy cho biết chi phí xây dựng đường hầm Stad dự kiến vào khoảng 315 triệu USD và mất từ 3-4 năm để xây dựng.

Thành Đạt

Theo AFP