1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Myanmar trở thành vùng dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất Đông Nam Á

Đức Hoàng

(Dân trí) - Myanmar đã vượt qua Indonesia và Malaysia trở thành vùng dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất khu vực trong 7 ngày qua, giữa lúc Anh cảnh báo viễn cảnh u ám mà Myanmar có thể phải đối mặt phía trước.

Myanmar trở thành vùng dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất Đông Nam Á - 1

Tình nguyện viên đưa thi thể nạn nhân Covid-19 đi hỏa táng ở Mandalay, Myanmar (Ảnh: AFP).

Hãng tin AP cho biết, trong 7 ngày qua, tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân của Myanmar đã vượt qua chỉ số của Malaysia và Indonesia để trở thành vùng dịch chết chóc nhất Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Our World in Data, số liệu này ở Myanmar ngày 29/7 là 6,35, so với Indonesia (6,02) và Malaysia (5,08).

Theo AP, chỉ số trên ở Myanmar cao gấp đôi so với Ấn Độ vào thời điểm dịch bệnh ở quốc gia Nam Á đạt đỉnh hồi tháng 5 (ở mức 3,04). Theo Worldometers, Myanmar hiện có hơn 294.000 ca Covid-19 và 8.942 trường hợp tử vong. Trong ngày 30/7, nước này ghi nhận 5.127 ca Covid-19 và 390 người chết. Tuy nhiên, số liệu ở Myanmar được cho là chưa thể phản ánh đầy đủ toàn cảnh tình hình dịch bệnh ở quốc gia Đông Nam Á.

Một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện Mawlamyine cho biết: "Có rất nhiều người trong cộng đồng chết vì Covid-19 nhưng không được thống kê". Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng nhiều người thiệt mạng ở nhà do không được chữa trị và những hàng dài người đứng xếp hàng trước những khu vực cung cấp ôxy.

Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế ở Myanmar quá tải vì số lượng bệnh nhân tăng nhanh trong những ngày qua. Lượng ôxy y tế đang thiếu hụt và phía chính quyền đang hạn chế việc bán mặt hàng này thông qua các kênh tư nhân vì lo ngại tình trạng đầu cơ, đẩy giá.

Chính phủ Myanmar bác bỏ thông tin nghĩa trang ở thành phố Yangon đã quá tải nhưng hồi đầu tuần thông báo rằng, họ đang xây dựng một số cơ sở mới có thể hỏa thiêu 3.000 thi thể mỗi ngày.

Trong những tháng qua, Myanmar đối mặt "khủng hoảng kép" Covid-19 và chính biến. Cuộc đảo chính ngày 1/2 khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử đã thổi bùng căng thẳng tại Myanmar với hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối, trong đó có nhiều nhân viên y tế. Một số lượng lớn bác sĩ, y tá đình công phản đối quân đội, khiến nỗ lực chống dịch của Myanmar ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Anh cảnh báo viễn cảnh một nửa dân số Myanmar có thể mắc Covid-19

Myanmar trở thành vùng dịch có tỷ lệ tử vong cao nhất Đông Nam Á - 2

Hàng dài người chờ mua ôxy ở Myanmar (Ảnh: AP).

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward ngày 29/7 cảnh báo viễn cảnh "u ám" rằng một nửa trong tổng dân số 54 triệu người Myanmar có thể mắc Covid-19 trong 2 tuần tới.

"Cuộc đảo chính đã khiến hệ thống y tế gần như sụp đổ. Virus lây lan trong cộng đồng một cách nhanh chóng. Theo một số ước tính, một nửa dân số Myanmar có thể mắc Covid-19 trong 2 tuần tới", bà Woodward cảnh báo.

Joy Singhal, một quan chức của tổ chức Chữ Thập Đỏ, cảnh báo rằng tình hình dịch bệnh ở Myanmar "rất đáng lo ngại, đặc biệt với năng lực y tế và nguồn cung ôxy hạn chế" và cho rằng "việc mở rộng xét nghiệm, truy vết và tiêm chủng là cần thiết".

Trong khi đó, báo nhà nước Global New Light of Myanmar tuần này đăng tải một số bài viết nêu bật các nỗ lực của chính phủ Myanmar, bao gồm việc họ kêu gọi nối lại chương trình tiêm chủng và nâng cao nguồn cung ôxy.

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing cho biết, các nỗ lực đang được tiến hành để nước này có thể nhận lấy sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế nhằm giúp chống dịch.