Mỹ xoay chuyển chiến lược trên "bàn cờ" chiến sự Nga - Ukraine
(Dân trí) - Mỹ được cho đang xoay chuyển chiến lược từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ Ukraine trong chiến dịch quân sự với Nga, sang định hướng mới là đối đầu và khiến Moscow suy yếu.
Ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố vào cuối chuyến thăm bí mật tới Ukraine rằng mục tiêu của Washington là muốn một nước Nga "suy yếu" để Moscow không còn đủ sức mạnh mở chiến dịch quân sự ở các nước láng giềng trong tương lai.
Giới chuyên gia nhận định phát ngôn này dường như là sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ từ mục tiêu ban đầu là hỗ trợ Ukraine trong chiến sự với Nga sang hướng đối đầu với Moscow.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 từng tuyên bố rằng ông không muốn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine thành cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ. Thay vào đó, Mỹ muốn giúp Ukraine trước một nước láng giềng hùng mạnh hơn nhiều. "Cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga là Thế chiến III, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn", ông Biden nói chỉ hai tuần sau khi cuộc chiến diễn ra.
Mỹ đã tuyên bố không đưa quân tới Ukraine, không giúp Kiev lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ vì lo ngại xung đột với Nga bùng phát.
Tuy nhiên, khi chiến sự trở nên quyết liệt và nhu cầu về vũ khí hạng nặng của Ukraine tăng lên, ranh giới mà Mỹ vẽ ra trước đó dần mờ đi. Những động thái và phát ngôn của Mỹ thời gian qua dường như đang cho thấy Mỹ muốn nhằm vào lực lượng quân đội Nga.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt để ngăn quân đội Nga phát triển và sản xuất vũ khí mới. Mỹ cũng ra các động thái nhằm để cắt đứt nguồn thu từ dầu và khí đốt để cắt ngân sách hoạt động của quân đội Nga.
Phát ngôn của ông Austin đáng chú ý vì về dài hạn, nó đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ không chỉ thu hẹp ở chiến sự Ukraine, mà đã mở rộng ra là làm Nga "suy yếu".
Theo các chuyên gia, phát ngôn này được xem sẽ khiến Nga củng cố niềm tin rằng mục tiêu của phương Tây trong cuộc chiến hơn 2 tháng qua thực sự là tác động trực tiếp tới Nga. Tuyên bố trên dường như cũng vạch ra một kịch bản rằng, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa và gợi nhắc tới những diễn biến như trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, cả Mỹ và các đồng minh đang cẩn trọng trong các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, vì họ lo ngại các thiệt hại nghiêm trọng với nền kinh tế toàn cầu vì "tác dụng phụ" của các biện pháp. Đồng thời, việc đẩy Nga "vào chân tường" cũng chứa nhiều rủi ro về việc Moscow có thể phản kháng.
Vì vậy, một quan chức Mỹ ẩn danh nói với CNN rằng, bình luận tại Ukraine của ông Austin có thể không có lợi cho Washington, vì nó sẽ khiến cho Nga tin rằng việc NATO và Mỹ hỗ trợ cho Ukraine thực chất là cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và dù có chiến sự xảy ra hay không, phương Tây sẽ vẫn tìm cách trừng phạt Nga.
Câu hỏi đặt ra là liệu khi chiến sự giữa Nga và Ukraine khép lại, Mỹ và phương Tây có gỡ bỏ trừng phạt Nga và mức độ gỡ bỏ là như thế nào. Nhiều nguồn tin trong chính phủ Mỹ nói rằng trong kịch bản đó, Mỹ có thể sẽ xem xét dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, thể hiện thiện chí, trong khi vẫn giữ các lệnh trừng phạt khác.
Mặc dù vậy, với tình hình chiến sự như hiện tại và quá trình đàm phán hòa bình đang đình trệ, kịch bản trên có lẽ còn lâu mới có thể được tính đến, theo các chuyên gia.