1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ xem xét dỡ bỏ thuế quan với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

Kim Huyền

(Dân trí) - Trong bối cảnh các biện pháp thuế quan Mỹ áp lên 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sắp hết hạn, Washington đang cân nhắc việc có dỡ bỏ những biện pháp này hay không.

Mỹ xem xét dỡ bỏ thuế quan với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc - 1

(Ảnh minh họa: AFP).

AFP đưa tin, các quan chức Mỹ vào hôm 3/5 cho biết, các biện pháp thuế quan của Mỹ áp lên hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 7.

Tổng thống Joe Biden đã và đang phải đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng tăng nhằm dỡ bỏ các thuế trừng phạt áp đặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi người Mỹ phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong hơn 4 thập niên và các công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung. 

Các biện pháp thuế lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh hưởng tới 350 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc. Động thái này nhằm trả đũa các cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ của Washington và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

Các biện pháp trên sẽ hết hiệu lực vào ngày 6/7. Nếu có yêu cầu tiếp tục gia hạn, các mức thuế quan này sẽ được xem xét lại.

Giới chức thương mại Mỹ hôm cho biết họ đang chính thức tiếp cận với công chúng và gửi thư cho 600 công ty để khảo sát về việc có nên gia hạn tiếp các biện pháp thuế quan hay không.

Một quan chức cấp cao của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói với các phóng viên: "Theo quy chế, thuế quan sẽ hết hạn trừ khi chúng tôi nhận được yêu cầu tiếp tục".

Ông cho biết bất cứ cuộc đánh giá nào cũng sẽ xem xét "tác động của những hành động như vậy đối với nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả người tiêu dùng".

Trước nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, các chính quyền Mỹ đã tìm cách giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và gây áp lực ở mức vừa phải. Tuy nhiên những động thái mạnh tay của ông Trump đã gây ra đòn trả đũa từ phía Bắc Kinh đối với hàng hóa của Mỹ.

Và mặc dù hiệp ước thương mại "giai đoạn một" đã có hiệu lực vào tháng 2/2020, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai, cho biết các biện pháp cứng rắn của Washington đã không làm Bắc Kinh thay đổi.

Một quan chức khác cho hay, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ xem xét ý kiến từ "tất cả các bên liên quan về quan điểm của họ về vấn đề thuế quan, liệu họ muốn tăng, giảm (hoặc) sửa đổi".

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm