1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ viện trợ quân sự 38 tỷ USD cho Israel giữa lúc căng thẳng

(Dân trí) - Mỹ đã bắt đầu gói viện trở 38 tỷ USD trong vòng 10 năm cho Israel, gói viện trợ lớn nhất trong lịch sử Mỹ dành cho các nước đồng minh, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang leo thang.

Một quân nhân Israel đang xếp các quả đạn pháo (Ảnh minh họa: Reuters)
Một quân nhân Israel đang xếp các quả đạn pháo (Ảnh minh họa: Reuters)

RT đưa tin ngày 3/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chào đón gói viện trợ kỷ lục 38 tỷ USD. Đây là gói viện trợ đạt được giữa Israel và chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2016. Khoản hỗ trợ kéo dài trong 10 năm nay được kích hoạt vào ngày 1/10, đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Israel và đối thủ “không đội trời chung” tại Trung Đông - Iran đang leo thang và phức tạp hơn. Theo Reuters, đây là khoản viện trợ quân sự lớn nhất trong lịch sử Mỹ từng chi cho một đồng minh.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết gói viện trợ nhằm mục tiêu bảo vệ Israel chống lại “tất cả các đối thủ tiềm tàng trong khu vực”, nhưng chủ yếu là chống lại cáo buộc “chính phủ Iran tài trợ cho các nhóm khủng bố”.

“Israel và thế giới đang đối mặt với những thách thức về mặt an ninh, chủ yếu từ sự hiếu chiến của Iran. Sự ủng hộ kiên định của Mỹ với quyền tự vệ của Israel là một trong những trụ cột của mối quan hệ ngoại giao bền vững giữa 2 quốc gia”, ông Netanyahu viết trên mạng xã hội Twitter.

Theo thỏa thuận được mô tả chi tiết trong Đạo luật ủy quyền hỗ trợ an ninh Mỹ-Israel 2018, Washington sẽ viện trợ Israel hàng năm 3,3 tỷ USD trong hạng mục tài trợ quân sự nước ngoài và 500 triệu USD cho các chương trình hợp tác tên lửa quốc phòng. Cụ thể, Mỹ đã thông qua việc chuyển các đạn dược dẫn dường chính xác từ kho dự trữ tới Israel nhằm giúp nhà nước Do Thái phản ứng kịp thời với mối đe dọa từ tên lửa. Đạo luật cũng đồng thời cho phép mở rộng kho vũ khí của Mỹ tại Israel.

Chính quyền Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như có quan điểm rất kiên định về những mối đe dọa từ Iran. Israel đặc biệt ủng hộ quyết định của ông Trump khi hủy bỏ hiệp ước hạt nhân Iran năm 2015, trong khi Nga cho rằng động thái này có thể làm xáo trộn an ninh khu vực và toàn cầu.

Israel tuyên bố họ có quyền tấn công các mục tiêu Iran bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu khi họ cảm thấy cần thiết. Nhà nước Do Thái nói rằng động thái của họ nhằm ngăn Tehran xây dựng cơ sở quân sự ở biên giới Syria với Israel, cũng như chặn việc Iran chuyển vũ khí cho nhóm Hezbollah ở Lebanon.

Đức Hoàng

Theo RT