1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng về vấn đề Biển Đông

Cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân hôm 31-3 tại Washington, tuy được đánh giá là có những tín hiệu tích cực, nhưng hai bên vẫn còn những bất đồng lớn, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang bành trướng tuyên bố chủ quyền phi lý.

Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông, thì Bắc Kinh khẳng định không chấp nhận bất kỳ hành động nào của Washington dưới vỏ bọc tuần tra “tự do hàng hải” ở biển Đông.

Chủ tịch Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh theo đuổi tới cùng việc “bảo vệ chủ quyền của mình” và lặp lại rằng, những tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết bằng con đường hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc và các bên liên quan. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tái cam kết Bắc Kinh tôn trọng và giữ an toàn tự do hàng hải cũng như quyền bay của các nước khác ở khu vực Biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc bày tỏ hi vọng Mỹ sẽ “tuân thủ nghiêm ngặt cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông”, mà thay vào đó đóng vai trò là bên duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. “Hy vọng là tất cả các bên sẽ nhìn nhận và xử lý vấn đề Biển Đông một cách chính xác và và có thái độ khách quan và công bằng... đặc biệt là các quốc gia bên ngoài khu vực”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân hôm 31-3 tại Washington.
Cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân hôm 31-3 tại Washington.

Ám chỉ đối với các cuộc tuần tra trên biển và trên không mà Mỹ tiến hành tại khu vực mà Bắc Kinh tự cho là chủ quyền của họ ở khu vực Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc cảnh báo, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc vi phạm “chủ quyền” của họ dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Cùng quan điểm này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đe dọa các tàu của Hải quân Mỹ đến Biển Đông “phải cẩn thận”.

Về phía Mỹ, Washington vẫn khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này nhưng muốn đảm bảo tự do hàng hải và sẽ tăng cường cho tàu hải quân của nước này thực hiện tuần tra hàng hải ở biển Đông trong thời gian sắp tới.

Tổng thống Obama cho biết, Mỹ, Nhận Bản và Hàn Quốc cùng chia sẻ một tầm nhìn chung về khu vực châu Á-Thái Bình Dương với nền tảng là “một trật tự dựa trên nguyên tắc, trong đó tất cả các quốc gia dù lớn dù nhỏ hành động theo các quy định và nguyên tắc chung”. Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng được xem là sự chỉ trích thẳng thừng nhằm vào việc Trung Quốc theo đuổi những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, giới chức Mỹ cũng đã bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như họ từng làm hồi năm 2013 trên biển Hoa Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work hôm 30-3 tuyên bố nước này sẽ không công nhận ADIZ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố ở Biển Đông và Washington sẽ xem đây là một động thái “gây bất ổn”. Mỹ vẫn tiếp tục tuần tra ở bất cứ nơi nào trong khu vực này, theo luật pháp của quốc tế.

Cũng trong ngày 31-3, đề cập tới vấn đề Biển Đông trong cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes nêu rõ “Washington tin là đang có một cách hành xử đi ngược lại các nguyên tắc phi quân sự hóa các khu vực tranh chấp và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Trong khi đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Các vấn đề chiến lược và đa phương thuộc Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Colin Willett tái khẳng định lập luận không quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc là hoàn toàn không đúng. Việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở, bố trí tên lửa và chiến đấu cơ tại khu vực này đều không khớp với những lời tuyên bố trước đó rằng hoạt động của Trung Quốc là nhằm mục đích dân sự.

Trước việc Trung Quốc luôn luôn khẳng định hoạt động của họ trong khu vực mang tính dân sự, trong đó có việc xây dựng hải đăng, căn cứ tìm kiếm và cứu hộ, những trạm nghiên cứu môi trường, bà Willett nhấn mạnh công tác bảo vệ dân thường, cứu trợ ngư dân hoặc theo dõi môi trường, hoàn toàn không cần đến những công trình quy mô như đường băng chạy dài.

Bà Willett đã ám chỉ đến những đường băng dành cho chiến đấu cơ mà Trung Quốc xây dựng trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và ở Trường Sa của Việt Nam. Theo bà, đường băng mà Trung Quốc xây dựng là kiểu dùng cho chiến đấu cơ chiến lược chứ không phải dùng cho máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo hoặc thiên tai.

Trung Quốc đang “dương đông kích tây” ở Biển Đông

Bình luận về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 943 ra Biển Đông cùng các tàu hộ tống, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng Bắc Kinh tiếp tục sử dụng kịch bản “dương đông kích tây” nhằm phân tán sự chú ý của thế giới trước mưu đồ quân sự hóa ở Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này vẫn đang ngang nhiên thực hiện”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích: “Nếu chúng ta chú ý sẽ thấy rằng, mục tiêu sâu xa hơn của “con bài giàn khoan 943 lần này không gì khác nhằm phân tán sự tập trung của dư luận quốc tế về những gì mà Trung Quốc đang làm tại các bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ chiếm giữ trái phép của Việt Nam. Một động thái nhằm thăm dò phản ứng của các nước, chứ mục đích về kinh tế chỉ là thứ yếu mà thôi”.

(PV)

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm