Mỹ và đồng minh "tiến thoái lưỡng nan" trong viện trợ vũ khí cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ và các đồng minh đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan mới về viện trợ vũ khí cho Ukraine vì lo ngại vượt "lằn ranh đỏ" mà Nga đã cảnh báo.
Quân đội Ukraine tiếp tục có lập trường cứng rắn khi từ chối nhượng bộ của Nga trong việc yêu cầu lực lượng ở thành phố cảng Mariupol đầu hàng.
Cùng thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phải đối mặt với một ngưỡng mới trong việc quyết định xem Mỹ sẽ đi bao xa trong nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong khi Nga cảnh báo có thể sẽ hành động mạnh hơn để ngăn chặn dòng vũ khí từ Mỹ và NATO.
Đang có những lo ngại mới về việc Ukraine có thể cạn kiệt đạn dược nhanh chóng khi giao tranh khốc liệt leo thang ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo, tình hình chiến sự ở Donbass có thể ảnh hưởng đến cục diện của cả cuộc xung đột và nhấn mạnh không có ý định từ bỏ phần lãnh thổ ở miền đông Ukraine như điều kiện của phía Nga nhằm kết thúc chiến tranh.
Với nỗ lực nhằm gây áp lực cho phương Tây tăng viện trợ, Tổng thống Zelensky cảnh báo, nếu Nga có thể kiểm soát vùng Donbass thì hoàn toàn có thể tiếp tục nỗ lực giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev.
Khi được hỏi về việc có hài lòng với gói viện trợ vũ khí bổ sung trị giá 800 triệu USD từ Mỹ, Tổng thống Zelensky cho rằng, nước này cần nhiều hơn thế. "Tất nhiên chúng tôi cần nhiều hơn nữa. Sẽ không bao giờ là đủ, không thể đủ", ông Zelensky nhấn mạnh và giải thích những thách thức ở miền Đông đất nước.
Nhưng ngay cả khi khoản viện trợ mới nhất đó đã bắt đầu đến khu vực, nhiều chuyên gia cho rằng, ngày càng có nhiều lo ngại về việc Ukraine nhanh chóng cạn kiệt kho đạn trong cuộc chiến tiếp theo này.
Cựu tướng Ben Hodges, từng chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết hôm 17/4 trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS rằng, trước những áp lực đó, các quan chức Mỹ phải rõ ràng hơn trong việc xác định mục tiêu của mình và liệu Washington có cam kết làm những gì cần thiết để giúp Ukraine.
"Điều Ukraine cần là hỏa lực tầm xa, tên lửa, pháo, máy bay không người lái, những khí tài có thể đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự", ông Hodges nói.
"Lằn ranh đỏ" ở Mariupol?
Một phần quan trọng trong chiến dịch hiện nay của Nga là kiểm soát thành phố cảng Mariupol, trong nỗ lực tạo ra "cây cầu trên bộ" nối miền đông Ukraine tới bán đảo Crimea.
Bộ Quốc phòng Nga đã yêu cầu các binh sĩ Ukraine ở Mariupol đầu hàng nhưng đã bị phớt lờ.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh cho đến nay là xác định "lằn ranh đỏ" của Nga nằm ở đâu, và họ có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến mức nào mà không kích động Moscow mở rộng chiến tranh, có khả năng khiến quân đội NATO gặp tổn hại.
Khi Washington chuẩn bị gửi gói viện trợ trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Mỹ để cảnh báo về "những hậu quả khó lường" nếu Washington và đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng hơn cho Kiev.
Các chuyên gia quân sự cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga có thể cân nhắc nhắm mục tiêu không chỉ vào các vũ khí đã được chuyển tới Ukraine, mà còn cả các đoàn xe tiếp tế của NATO vận chuyển vũ khí tới biên giới nước này.