1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ và các đồng minh thái quá trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Mỹ và Hàn Quốc ngày 24-1 đã nhất trí hợp tác nhằm hướng tới tổ chức một cuộc đàm phán 5 bên với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Cùng lúc, Washington và Seoul liên tục kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua việc áp đặt những lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) hôm 6-1. Theo giới phân tích, các động thái này có thể khiến Bình Nhưỡng có phản ứng không tỉnh táo.

Có ý kiến cho rằng, vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chỉ là phương tiện để răn đe. Sau Nam Tư, Iraq, Libya, người ta khó có thể hi vọng rằng, các nhà lãnh đạo của Bình Nhưỡng sẽ ngồi yên và chờ đến khi bị “dân chủ hóa”. CHDCND Triều Tiên cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu Mỹ “không từ bỏ chính sách thù địch”, họ sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân “ngay cả khi trời sập”.

CHDCND Triều Tiên từ lâu đã ám chỉ rằng, họ đang phát triển các thử nghiệm bom H và nhiều chuyên gia cũng xác nhận như vậy. Hơn nữa, trong năm 2015, Bình Nhưỡng không hề giữ bí mật về việc thử hạt nhân, chỉ là vấn đề về thời gian. Tuy nhiên, lời cảnh báo cuối cùng đến từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 10-12-2015 chỉ được các chuyên gia đón nhận bằng nụ cười nghi ngờ. Và nụ cười đó đã tắt ngấm sau vụ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử bom H hôm 6-1.

Tuy nhiên, thật khó để tranh cãi rằng, hành động của Bình Nhưỡng đã khiêu khích một cuộc khủng hoảng, nhưng hậu quả thực tế bây giờ phụ thuộc chủ yếu vào đối thủ của họ. Đe dọa quân sự sau vụ thử quả thật có tăng lên: Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược hạt nhân đến Bán đảo Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc nối lại chương trình phát sóng tuyên truyền về phía Bắc.

Rõ ràng, không thể xem nhẹ tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng phải biết khi nào nên dừng. Các biện pháp trừng phạt thông qua HĐBA LHQ và các biện pháp đơn phương của các nước phương Tây có thể khiến Bình Nhưỡng có phản ứng không tỉnh táo. Tính đến thời điểm hiện tại, CHDCND Triều Tiên vẫn đang cư xử kiềm chế.

Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc trong cuộc họp báo chung về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tháng 8-2015.
Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc trong cuộc họp báo chung về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tháng 8-2015.

Có thể thấy rõ rằng, vụ thử này của Bình Nhưỡng là có lợi đối với Mỹ. Qua đó cho phép Washington duy trì một lực lượng quân đội lớn trong khu vực, tiến hành hiện đại hóa vũ khí và nhân tiện giữ chặt các đồng minh và gây áp lực lên Trung Quốc. Do đó, phản ứng của Mỹ đối với bất kỳ hành động nào của CHDCND Triều Tiên không phải là tìm kiếm sự cô lập, mà là trừng phạt và gây áp lực vì nó đã chứng minh là không hiệu quả: Vụ thử hạt nhân thứ nhất hồi năm 2006, không có biện pháp trừng phạt nào có thể ngăn chặn CHDCND Triều Tiên gia tăng tiềm năng tên lửa hạt nhân của mình.

Có lẽ phương án khả dĩ nhất để giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là đàm phán. Tuy nhiên, phương án này không thích hợp với chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và Hàn Quốc. Nga và Trung Quốc trong những điều kiện này chỉ có thể kiên nhẫn thuyết phục chọn giải pháp chính trị và ngoại giao và nối lại đàm phán 6 bên (CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Nhật Bản) về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vốn đã bị đình trệ từ tháng 12-2008 tới nay.

Lý tưởng là chính đàm phán này phải kết thúc với việc thành lập một hệ thống an ninh mới ở Đông Bắc Á, trong đó vấn đề hạt nhân mới có thể được giải quyết. Tuy nhiên, ngày 24-1, Mỹ và Hàn Quốc lại quyết định loại Bình Nhưỡng ra khỏi bàn đàm phán, thay vào đó, họ nhất trí hợp tác nhằm hướng tới tổ chức một cuộc đàm phán 5 bên với Trung Quốc, Nhật Bản và Nga về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Liệu kết quả cuộc đàm phán này có thể đóng băng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khi nhân vật chính lại vắng mặt?!

Theo Khổng Hà

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm