1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ ủng hộ có thêm 2 ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ cho biết sẽ ủng hộ bổ sung thêm 2 ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các quốc gia châu Phi.

Mỹ ủng hộ có thêm 2 ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - 1

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield (Ảnh: AFP).

Hôm 12/9, Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ việc bổ sung thêm 2 ghế thường trực mới cho các quốc gia châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một ghế không thường trực đầu tiên cho một quốc gia đang phát triển là một quốc đảo nhỏ.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã đưa ra thông báo này trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, gọi đây là động thái tiếp nối tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden cách đây 2 năm rằng Washington ủng hộ việc mở rộng cơ quan gồm 15 thành viên này.

Bà cho biết, mặc dù Châu Phi có ba ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an, nhưng điều đó không cho phép các quốc gia Châu Phi "phát huy hết lợi ích từ kiến thức và tiếng nói của họ"

"Đó là lý do tại sao, ngoài tư cách thành viên không thường trực cho các nước châu Phi, Mỹ ủng hộ việc tạo ra 2 ghế thường trực cho châu Phi trong hội đồng. Đó là điều mà các đối tác châu Phi của chúng tôi tìm kiếm và đó là điều mà chúng tôi tin là công bằng", bà Thomas-Greenfield cho biết.

Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield sau đó cho biết Washington phản đối việc trao quyền phủ quyết cho các nước châu Phi sẽ nắm giữ 2 ghế thường trực trong tương lai vì điều này có thể khiến công việc của Hội đồng Bảo an trở nên "rối loạn".

Quan điểm đó cho thấy giới hạn về khối lượng quyền lực mà Mỹ muốn trao cho bất kỳ quốc gia nào khác.

Hầu như tất cả các quốc gia đều đồng ý rằng gần 80 năm sau khi Liên hợp quốc được thành lập sau Thế chiến II, Hội đồng Bảo an nên được mở rộng để phản ánh tình hình thế giới trong thế kỷ 21 và sẽ có nhiều tiếng nói hơn. Nhưng câu hỏi quan trọng và bất đồng lớn nhất vẫn là cách thực hiện điều này.

Hội đồng Bảo an, cơ quan có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, không thay đổi so với cơ cấu năm 1945: 10 thành viên không thường trực từ mọi khu vực trên thế giới được bầu cho nhiệm kỳ 2 năm mà không có quyền phủ quyết và 5 quốc gia là cường quốc hồi cuối Thế chiến II là thành viên thường trực có quyền phủ quyết: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Trong thời gian qua, căng thẳng giữa các thành viên thường trực khiến một số nghị quyết của Hội đồng Bảo an không được thông qua về vấn đề chiến sự ở Ukraine hay xung đột ở Gaza.

Những kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an để phản ánh thế giới đang thay đổi bắt đầu vào năm 1979. Năm 2005, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi Hội đồng phải "có tính đại diện rộng rãi hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn".

Tháng 9/2022, ông Biden kêu gọi tăng số lượng thành viên thường trực và không thường trực, bao gồm "các ghế thường trực cho các quốc gia mà chúng ta đã ủng hộ từ lâu và các ghế thường trực cho các quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribe".

Mỹ từ lâu đã ủng hộ các ghế thường trực cho Đức, Nhật Bản và Ấn Độ.

Bà Thomas-Greenfield không đề cập đến lời cam kết khác của ông Biden về ghế thường trực cho các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe. Nhưng một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết Washington vẫn ủng hộ ghế thường trực cho Mỹ Latinh và Caribe, cùng với Châu Phi.

Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ việc tạo ra một ghế luân phiên bổ sung cho các quốc đảo nhỏ là nước đang phát triển.

"39 nước này không phải là một khối thống nhất. Đó là nơi sinh sống của 65 triệu người, trên hơn 1.000 hòn đảo", bà Thomas-Greenfield nói.

"Nhưng mỗi nước đều có những hiểu biết quan trọng về một loạt các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, bao gồm, đáng chú ý là, tác động của biến đổi khí hậu", bà nhận định, nhấn mạnh Mỹ có kế hoạch soạn thảo một nghị quyết để cải tổ hội đồng.

Theo ABC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm