1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ "tung" kế hoạch đánh thuế giới siêu giàu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Việc phe Dân chủ đề xuất đánh thuế đánh thuế nhóm người giàu nhất nước Mỹ dường như sẽ khiến một số tỷ phú "rục rịch" lên kế hoạch để ứng phó.

Mỹ tung kế hoạch đánh thuế giới siêu giàu - 1

Giới siêu giàu Mỹ trong nhiều năm qua được cho đã sử dụng nhiều cách để né việc đóng thuế (Ảnh minh họa: Reuters).

Theo SCMP, nghị sĩ Ron Wyden, chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, ngày 27/10 công bố đề xuất "thuế tỷ phú", nhằm áp thuế với khoảng 700 người giàu nhất nước Mỹ. Khoản tiền thu được dự kiến sẽ được dùng để chi cho chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, gia hạn tín thuế trẻ em.

Đề xuất này nhằm vào giới siêu giàu có tài sản ít nhất một tỷ USD hoặc thu nhập 100 triệu USD trong 3 năm liên tiếp. Bất cứ ai đạt đủ điều kiện sẽ bị buộc phải đóng thuế hàng năm cho phần giá trị tăng thêm trong những tài sản giao dịch đại chúng mà họ nắm giữ, như cổ phiếu và trái phiếu. Đối với các tài sản tư nhân khó để định giá, Sở Thuế vụ Mỹ sẽ có cách tiếp cận chặt chẽ hơn, bằng cách yêu cầu các tỷ phú đóng thuế bổ sung khi bán tài sản họ nắm giữ.

Nghị sĩ Wyden cho biết, trong khi tầng lớp trung lưu tại Mỹ phải đóng thuế trên tiền lương nhận được hàng năm, giới siêu giàu lại sử dụng hàng loạt chiến lược để trì hoãn các hóa đơn thuế, đôi khi là vô thời hạn.

Thách thức lớn nhất của phe Dân chủ là phải tìm ra cách để đảm bảo giới siêu giàu ở Mỹ phải thực sự đóng thuế. Thực chất, đề xuất này đã được đội ngũ của ông Wyden nghiên cứu trong vài năm qua, bao gồm các điều khoản nhằm chặn các chiến lược của giới tỷ phú để lách luật.

Theo đề xuất mới, đối với các tài sản có thể giao dịch như cổ phiếu, các tỷ phú vẫn phải trả thuế ngay cả khi họ giữ tài sản đó. Họ sẽ bị đánh thuế đối với bất kỳ sự gia tăng giá trị nào và khấu trừ các khoản lỗ. Trong khi đó, theo luật hiện hành, những tài sản đó chỉ bị đánh thuế khi chúng được giao dịch.

Đề xuất cũng có quy định nhằm vào các tài sản tư nhân, gồm tác phẩm nghệ thuật, bất động sản và các công ty tư nhân khó định giá để ngăn các tỷ phú không trốn thuế. Khi chúng bị bán đi, chúng sẽ được tính một khoản thuế bổ sung.

Giới tỷ phú tìm cách ứng phó

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, các tỷ phú vẫn có khả năng thuê các cố vấn, kế toán và luật sư có thể vừa thách thức đề xuất đóng thuế về mặt pháp lý, vừa đưa ra những ý tưởng để tránh né nó.

Những người chỉ trích đề xuất cho rằng nó quá khó để thực thi và có thể bị Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết là vi hiến. Tỷ phú đầu tư Leon Cooperman cho rằng đề xuất thuế là hành động "tấn công vào người giàu có".

Steve Rosenthal, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Thuế, một tổ chức tư vấn ở Washington, cảnh báo rằng, chính phủ Mỹ vẫn có nguy cơ có thể bị "vượt mặt" bởi các tỷ phú trong kịch bản đề xuất được thông qua thành luật.

Các tỷ phú Mỹ đã tăng gấp đôi giá trị tài sản ròng của họ trong 5 năm qua lên hơn 5 nghìn tỷ USD, bao gồm mức tăng 1,2 nghìn tỷ trong 12 tháng qua, theo Bloomberg.

Theo các chuyên gia, giới siêu giàu dường như sẽ có động lực mạnh mẽ để làm mọi thứ có thể nhằm tránh bị đánh thuế. Nếu đề xuất thành luật, việc đầu tiên mà các cố vấn của các tỷ phú phải làm là tìm cách để khách hàng của họ không phải đóng toàn bộ các khoản thuế.

Một cách để tránh "thuế tỷ phú" là chia nhỏ tài sản cho các thành viên trong gia đình nhằm đảm bảo có nhiều người đóng thuế có tài sản dưới mức một tỷ USD - ngưỡng bắt buộc phải nộp thuế theo đề xuất, theo chuyên gia Thomas Giordano từ công ty Karlin & Peebles (Mỹ).

Hiện 10 người giàu nhất Mỹ đang sở hữu khối tài sản trên 1.400 tỷ USD.

Elon Musk, người giàu nhất thế giới hiện tại với 292 tỷ USD, đã công khai chỉ trích đề xuất thuế tỷ phú. Ông cho rằng, việc đánh thuế các tỷ phú sẽ chỉ tạo ra "tác động nhỏ" đối với việc thanh toán nợ công của Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington nên tập trung vào hoạt động chi tiêu của chính phủ.

"Chi tiêu mới là vấn đề thực sự ở đây. Kể cả giới siêu giàu có bị đánh thuế 100%, thì chính phủ vẫn phải cần tới công chúng để bù vào khoản thiếu hụt. Đó là một phép toán cơ bản", ông Musk bình luận. Nợ công của Mỹ tính tới tháng 9 đã đạt mốc 28,43 nghìn tỷ USD.

Tuy nhiên, không phải tỷ phú nào cũng phản đối đề xuất thuế. Ví dụ, George Soros, tỷ phú đầu tư đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất.