1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tung các chiến thuật mới nhằm truy tố hãng công nghệ Trung Quốc

(Dân trí) - Mỹ đang thúc đẩy hành động trên một mặt trận chủ chốt trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc: truy tố hình sự đối với hành vi đánh cắp bí mật thương mại. Động thái quyết liệt của Mỹ có thể gây khó khăn cho các tham vọng của Trung Quốc nhằm sản xuất hàng loạt chip nhớ.

Mỹ tung các chiến thuật mới nhằm truy tố hãng công nghệ Trung Quốc - Ảnh 1.

Các kỹ thuật viên của công ty Jinhua tại tỉnh Phúc Kiến (Ảnh minh họa: Xinhua)

Fujian Jinhua Integrated Circuit Co., một công ty sản xuất chip nhớ của Trung Quốc, và đối tác đóng tại Đài Loan United Microelectronics Corp. (UMC) đã không nhận tội trong phiên tòa liên bang tại San Francisco diễn ra hôm qua, 9/1, theo giờ Mỹ.

Theo Bloomberg, bản cáo trạng nhằm vào hai công ty trên là các hành động đầu tiên trong "Sáng kiến Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ được công bố hồi tháng 11 năm ngoái nhằm chú trọng tới các vụ việc đánh cắp thương mại và đưa các vụ việc ra công lý nhanh nhất có thể. Các công tố viên đang triển khai các chiến thuật mới trong cuộc chiến mới nhất này, bổ sung một số biện pháp thử nghiệm đối với quá trình thực thi nhiều lớp nhằm đảm bảo rằng không có sai sót nào cho một thông điệp: Nếu Trung Quốc đánh cắp công nghệ, Mỹ sẽ không để yên.

"Chúng tôi muốn sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để khiến hành động đó phải hứng chịu các hệ quả về kinh tế", Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John C.Demers nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11 năm ngoái khi sáng kiến được công bố.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp Mỹ đang thử nghiệm một quy định mới nhằm biến việc truy tố hình sự đối với các công ty nước ngoài không có trụ sở ở Mỹ trở nên dễ dàng hơn. Trước đó, các vụ việc tương tự đã bị hủy hoặc bị đình chỉ hoàn toàn.

Trong một số trường hợp, các đương sự, với sự trợ giúp của các luật sư của họ tại Mỹ và chính phủ Trung Quốc, đơn giản là đã phớt lờ như thể là các cáo buộc không tồn tại. Nhưng lần này thi khác. Thông qua luật sư, Jinhua đã nhất trí có mặt trong phiên tòa hôm qua. UMC cũng có mặt, theo luật sư của công ty này.

Bên cạnh bản cáo trạng hình sự, các công tố viên cũng lần đầu tiên sử dụng đến một điều khoản trong Luật Gián điệp Kinh tế được ban hành từ năm 1996 để đưa ra một vụ kiện dân sự liên quan đến trộm cắp bí mật thương mại. Thông qua vụ việc dân sự, chính phủ đang nhắm tới việc ngăn chặn Jinhua xuất khẩu bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (DRAM), mà Mỹ tố là được chế tạo dựa vào công nghệ đánh cắp từ Boise, công ty công nghệ Micron có trụ sở tại bang Idaho (Mỹ).

Mỹ đang đẩy mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc đánh cắp các bí mật thương mại và công nghệ, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào chiến tranh thương mại. Giới chức Mỹ đã nhiều lần đích danh cáo buộc Trung Quốc chiếm dụng hoặc đánh cắp nhiều bí mật công nghệ cao.

Đó là một chiếc lược nhắm tới nhiều hướng. Vào ngày 30/10, vài ngày trước khi "Sáng kiến Trung Quốc" được công bố, Bộ Thương mại Mỹ đã ngăn chặn vụ bán thiết bị chế tạo chip của Mỹ cho Jinhua, để ngăn chặn công ty sản xuất các thiết bị bán dẫn. Trung Quốc, hiện là thị trường DRAM lớn nhất thế giới, đã xem việc sản xuất này là ưu tiên quốc gia để có thể chấm dứt phụ thuộc vào nhập khẩu, vốn tiêu tốn khoảng 200 tỷ USD mỗi năm.

Cả Fujian và UMC đều bác bỏ các cáo buộc của Mỹ. Ba công dân Đài Loan đã bị truy tố cùng 2 công ty này với cáo buộc thông đồng để đánh cắp các bí mật thương mại. Họ dự kiến sẽ ra tòa vào tháng tới.

"UMC chấp nhận cả hai yêu cầu triệu tập trong vụ việc hình sự và đơn kiện dân sự của chính phủ và sẽ xuất hiện tại tòa để giải quyết cả hai vụ việc", luật sư của UMC, Leslie Caldwell, cho biết trong một email nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Từ vụ việc hình sự, các công tố viên nhiều khả năng sẽ có được một mệnh lệnh nhằm yêu cầu Jinhua và UMC phải bồi thường về các con chip và những khoản thu có được từ công nghệ được cho là bị đánh cắp, cũng như cấm sử dụng các bí mật của Micron trong 5 năm.

"Nhưng điều đó chỉ xảy ra sau một bản kết án hoặc nằm trong một lời biện hộ", Ashok Ramani, một luật sư về sở hữu trí tuệ tại công ty Davis Polk ở Menlo Park, California. "Việc đó có thể mất một thời gian dài".

Còn vụ kiện dân sự cho phép các công tố viên hành động nhanh hơn với một mệnh lệnh thích hợp nhằm ngăn chặn các công ty trên, có thể là vĩnh viễn, xuất khẩu các chip trước khi một vụ việc hình sự diễn ra, "khi thiệt hại đã xuất hiện, hoặc thậm chí diễn biến xấu hơn", luật sư Ramani nói.

Các công tố viên đang cố gắng xem xét tất cả các phạm vi của họ, Christopher Seaman, một giáo sư từ Trường Luật Washington & Lee, cho biết về vụ kiện kép.

Việc thay đổi luật về các cáo trạng là vấn đề then chốt. Trong nhiều năm, các công tố viên đã cố gắng nhưng không thành nhằm buộc tội Tập đoàn Pangang Trung Quốc, một công ty hóa chất tại Thành Đô, đánh cắp các bí mật thương mại từ công ty DuPont Co. 

Nhưng sau một thay đổi về luật vào năm 2016 từ Tòa án tối cao Mỹ, một tòa án phúc thẩm đã nhất trí vào năm 2018 rằng tập đoàn Pangang bị áp một bản cáo trạng thông qua các luật sư lâu năm tại Mỹ, 5 năm sau khi vụ việc được khởi xướng.

Các chuyên gia pháp lý đồng tình rằng sự thay đổi trên đã giúp Mỹ khởi động vụ việc hình sự chống lại Jinhua. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng các công tố viên cũng có được cú hích trong vụ kiện dân sự chống lại Jihua từ một phán quyết dân sự có liên quan vào ngày 20/11 của Thẩm phán Mỹ Maxine M. Chesney, người cũng xử lý vụ việc của Jinhua tại San Francisco.

Công ty Micron của Mỹ đã mất gần 1 năm để gửi đơn kiện đánh cắp bí mật thương mại đối với Jinhua. Một bản sao được gửi tới Bộ Tư pháp Trung Quốc đã bị trả lại với lý do "bản dịch tiếng Trung không đầy đủ". Thẩm phán Maxine M. Chesney quyết định rằng Micron có thể gửi đơn kiện qua email tới các luật sư của công ty tại Mỹ.

Các phán quyết đang gửi đi một thông điệp: "Nghe này, chúng tôi sẽ không để một thực thể nước ngoài trốn tránh trách nhiệm bằng các chiêu trò", Bloomberg dẫn lời luật sư Ramni.

An Bình

Tổng hợp