1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà khoa học quân sự Trung Quốc bị “tố” chiếm đoạt công nghệ phương Tây

(Dân trí) - Các nhà khoa học có liên quan tới quân đội Trung Quốc được cho là đang lợi dụng những dự án nghiên cứu hợp tác với chuyên gia tại các trường đại học Phương Tây nhằm "tuồn" công nghệ tiên tiến về nước để phát triển nền khoa học kỹ thuật Trung Quốc.

Các nhà khoa học Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)
Các nhà khoa học Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

CNN dẫn báo cáo của viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cho biết, ngày càng nhiều các nhà khoa học có liên quan tới quân đội Trung Quốc mang các công nghệ tiên tiến ở nước ngoài về Bắc Kinh, lợi dụng các dự án hợp tác với chuyên gia Phương Tây tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu.

Báo cáo nói rằng các chính phủ và trường đại học Phương Tây dường như đang thiếu đi sự cảnh giác cao độ với các nhà khoa học Trung Quốc trong tham vọng hiện đại hóa nền quân sự Bắc Kinh dựa vào công nghệ nước ngoài.

“Tôi chưa thấy bất cứ đại học nào nhận thức đầy đủ về mối đe dọa này”, chuyên gia Alex Joske của ASPI nhận định. Ông Joske cho rằng các đại học có thể chưa ý thức được việc nền quân sự Trung Quốc có thể hưởng lợi từ các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học Australia và điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của Canberra.

ASPI là một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, được chính phủ Australia tài trợ một phần kinh phí hoạt động, theo CNN.

Từ năm 2007, có hơn 2.500 nhà khoa học Trung Quốc có liên hệ với lực lượng quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đã tới Mỹ, Australia, Anh và một số quốc gia khác để nghiên cứu và làm việc. “Những nhà khoa học này hoạt động trong các lĩnh vực kỹ thuật chiến lược như vật lý lượng tử, công nghệ xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ điều hướng và thiết bị tự động”, báo cáo viết.

Trước đó, truyền thông Trung Quốc gọi những hoạt động trên là “hái hoa từ vườn hoa nước ngoài để tạo nên mật ngọt ở Trung Quốc”.

Theo ASPI, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu Trung Quốc như học viện tàu ngầm hải quân, đại học kỹ thuật lực lượng tên lửa đã tới các nước Phương Tây để du học, làm nghiên cứu sinh hoặc theo học tiến sĩ.

ASPI cho biết, trong quá trình nghiên cứu ở nước ngoài, các nhà khoa học này đã mang những công trình nghiên cứu, công nghệ hợp tác với nước chủ nhà về Trung Quốc.

Phản ứng với báo cáo của ASPI về sự bảo vệ “lỏng lẻo” công nghệ trước các nhà khoa học quân sự nước ngoài, các đại học ở Australia cho biết họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của chính phủ Australia đưa ra về việc rà soát hồ sơ đăng ký, kiểm soát các mối đe dọa, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Australia.

Đại học New South Wales, cơ sở giáo dục được nhắc tới trong báo cáo của ASPI cho biết, họ thực hiện đánh giá chặt chẽ các hồ sơ lý lịch theo yêu cầu của chính quyền Australia.

Tuy nhiên, theo ASPI, một số nhà khoa học quân sự Trung Quốc dường như đã sử dụng “vỏ bọc” để cắt đứt mối liên hệ với lực lượng PLA, thay vào đó nhận mình là học giả đến từ những viện nghiên cứu không tồn tại ở Trung Quốc.

Báo cáo của tổ chức Australia được công bố chỉ 1 ngày sau khi ông Christopher Ashley Ford, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí cho biết, việc ngăn chặn chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc là ưu tiên của Mỹ. Quan chức này quan ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng và biến đổi các công nghệ dân sự áp dụng vào quân sự và ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đức Hoàng

Tổng hợp