1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mỹ - Trung ngày càng kình nhau trong diễn tập quân sự

(Dân trí) - Khi quân đội Trung Quốc tập trung vào việc đối đầu với Mỹ, Lầu Năm Góc ngày càng coi Trung Quốc - mà Washington xem là một mối đe dọa quân sự và đối thủ chiến lược - là đối thủ trong các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn.

Mỹ - Trung ngày càng kình nhau trong diễn tập quân sự - 1

Các thủy thủ Mỹ tham gia cuộc diễn tập với ASEAN (Ảnh: AFP/US Navy)

Mới nhất là cuộc tập trận hải vận quân sự quy mô lớn ngoài khơi Virginia hồi tuần này, với 28 tàu được huy động để đưa các binh sĩ thuộc Thủy quân lục chiến và Lục quân và các thiết bị của họ tới một cuộc xung đột lớn ở nước ngoài - có thể chống lại Trung Quốc hoặc Nga.

Trong khi đó, các binh sĩ Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận chung trong tuần này, sử dụng các tên lửa đất đối hạm để tấn công một tàu của đối phương tại Kumamoto, tỉnh Kyushu, được cho là nhằm “đề phòng các hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.

Hoạt động trên diễn ra sau cuộc diễn tập hàng hải Mỹ-ASEAN kéo dài 5 ngày hồi đầu tháng này, cuộc diễn tập đầu tiên như vậy giữa Mỹ và khối ASEAN từ trước tới nay.

Trong một cuộc diễn tập khác hồi tháng trước, các binh sĩ Thủy quân lục chiến đã tiến hành các cuộc diễn tập chiếm đảo ở Hoa Đông và Biển Đông, gần Philippines và quanh đảo Okinawa của Nhật Bản.

Các nhà quan sát cho hay Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc ngày càng nhắm vào nhau trong các kịch bản diễn tập.

“Sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc kể từ đầu năm 1990 đã gần như hoàn tập trung vào việc chống lại các khả năng của Mỹ”, John Lee, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson ở Washington, nhận định. “Từ góc độ đó, lẽ tự nhiên khi nhiều cuộc tập trận quân sự của Mỹ luôn nhắm vào Trung Quốc”.

Mặc dù Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng nước này xem vùng biển là một phần trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để kiềm chế sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - một chiến lược Bắc Kinh luôn cảnh giác.

Kể từ cuộc hiện đại hóa lớn của quân đội Trung Quốc bắt đầu vào năm 2015, Trung Quốc đã chú trọng tới các cuộc tập trận “chiến tranh thật” và gia tăng tần suất, cường độ và quy mô của các cuộc diễn tập như vậy.

Nhà bình luận quân sự tại Hong Kong Song Zhongping cho hay Bắc Kinh đã đáp trả điều mà họ xem là “các mối đe dọa chiến lược”. “Trung Quốc cảm thấy nước này đang đối mặt với nhiều mối đe dọa chiến lược từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ”, ông Song nói.

Và dù cố vấn an ninh quốc gia John Bolton - một nhân vật có quan điểm cứng rắn với các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc - đã rời Nhà Trắng thì những nhân vật “diều hâu” khác tại Washington sẽ khiến chính sách của Mỹ đối với Bắc Kinh khó thay đổi.

“Chính sách đó sẽ vẫn tiếp tục trong một thời gian dài”, ông Song nói. “Và Trung Quốc sẽ dùng mọi cách thức có thể để chuẩn bị cho một kịch bản quân sự thực sự - viễn cảnh tồi tệ nhất”.

Đại tá quân đội Trung Quốc về hưu Yue Gang cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và kiềm chế Trung Quốc. Các đồng minh này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc , Thái Lan, Philippines và Australia, tất cả đều tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ trong vài tháng qua.

Ông Yu cho hay các động thái quân sự của Mỹ gần đây đã được phối hợp cẩn thận để hỗ trợ các nỗ lực trong các lĩnh vực khác như các cuộc đàm phán thương mại dự kiến được phối hợp vào tháng tới - và Trung Quốc không nên thực các biện pháp để chống lại chúng.

“Trung Quốc nên nhìn kỹ giọng điệu và nhận ra mục đích của Mỹ, và cần hiểu rõ rằng một động đáp trả không cần thiết có thể dẫn tới chiến tranh”, ông Yu nói, nhận định thêm rằng Mỹ đang cố gắng gây sức ép lên Bắc Kinh.

An Bình

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm