1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nguy cơ Mỹ - Trung đối đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần hai

(Dân trí) - Gần 3 thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô kết thúc, một cuộc tranh cãi mới đã nổ ra xung quanh câu hỏi: Liệu Mỹ có đang bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới, lần này với Trung Quốc, hay không?

Nguy cơ Mỹ - Trung đối đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần hai - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP)

“Quân đội Trung Quốc đã trải qua một chương trình hiện đại hóa đáng kể tới mức họ đã trở thành lực lượng quân đội gần ngang hàng (với Mỹ) trong một số lĩnh vực quân sự”, Neil Wiley, giám đốc phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) Mỹ, nhận định trong cuộc phỏng vấn với NPR.

Năm nay, lần đầu tiên DIA công bố báo cáo về quân đội Trung Quốc, tương tự báo cáo về Liên Xô từng được công bố trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Nội dung bản báo cáo đã cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc như: ngân sách quốc phòng chỉ xếp thứ hai sau Mỹ, tiếp cận hung hăng đối với các đảo tranh chấp trên Biển Đông, tập trận quân sự chung với Nga và lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti.

“Giới lãnh đạo Trung Quốc coi chương trình hiện đại hóa quân sự dài hạn của nước này là điều cần thiết để đạt được vị thế sức mạnh vĩ đại. Trung Quốc sắp chế tạo được một số hệ thống vũ khí hiện đại nhất thế giới. Trong một số lĩnh vực, họ đã dẫn đầu thế giới”, Trung tướng Robert P. Ashley Jr, giám đốc DIA, viết trong báo cáo.

Báo cáo của DIA không sử dụng cụm từ “Chiến tranh Lạnh” để nói về mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Các quan chức và các cơ quan của chính phủ Mỹ cũng tránh sử dụng cụm từ này. Tuy nhiên, bên ngoài phạm vi của chính quyền Mỹ, đây lại là chủ đề “nóng” nhận được nhiều sự quan tâm.

Từ các cuốn sách, các tập san về chính sách đối ngoại cho tới các hội thảo về an ninh quốc gia, luôn có sự thảo luận sôi nổi về sự tương đồng và khác biệt giữa cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô với mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhà sử học Walter Russell Mead, một cây bút viết về chính sách đối ngoại Mỹ, gần đây đã đăng một bài bình luận trên Thời báo phố Wall với tiêu đề “Người Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho Chiến tranh Lạnh lần hai”. Theo ông Mead, Mỹ hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc đối phó với Trung Quốc và điều này ngược lại hoàn toàn với một mặt trận nước Mỹ thống nhất trong cuộc chiến chống lại Liên Xô cách đây hàng chục năm.

Nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới

Trước đây, Mỹ và Liên Xô ở trong một mối quan hệ gần như hoàn toàn đối đầu nhau cả về chính trị và quân sự. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay phức tạp hơn nhiều.

Kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đạt hơn 700 tỷ USD năm 2018. Khoảng 350.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học của Mỹ. Rất nhiều chuyến bay chở khách du lịch di chuyển qua lại giữa hai nước hàng ngày.

Theo Susan Thornton, cựu quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tất cả những yếu tố trên đã góp phần làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Susan Thornton cho rằng nhận định về Chiến tranh Lạnh mới đang bị thổi phồng, song bà vẫn tỏ ra quan ngại về vấn đề này.

“Tôi lo sợ rằng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của sự đối đầu liên tục, nơi Mỹ tìm cách thách thức Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ quân sự cho tới kinh tế, kỹ thuật, hệ tư tưởng hay sức mạnh mềm”, bà Thornton, người đang giảng dạy tại Trường luật Yale, nhận định.

Theo bà Thornton, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ, trong đó điển hình là cuộc chiến thương mại của chính quyền Trump, đang khiến cho cuộc đối đầu với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn.

Roy Kamphausen, cựu sĩ quan Lục quân Mỹ và là lãnh đạo Cơ quan quốc gia về Nghiên cứu châu Á tại Washington, cho rằng Trung Quốc đang có góc nhìn ngày càng tiêu cực đối với Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc gần đây đã công bố báo cáo đánh giá quân sự của nước này, trong đó nói rằng Mỹ đã “khiêu khích và gia tăng sự cạnh tranh giữa các nước lớn”. Báo cáo của Trung Quốc nhận định “Mỹ đang tăng cường các liên minh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, củng cố việc triển khai quân sự và hành vi can thiệp, khiến an ninh khu vực thêm phức tạp”.

Mỹ và Trung Quốc cũng phô diễn sức mạnh quân sự theo nhiều cách khác nhau. Các lực lượng quân sự của Mỹ trải khắp thế giới với hàng trăm căn cứ ở nước ngoài. Mỹ cũng liên tục tham gia vào các cuộc chiến từ năm 2001 đến nay, đưa quân tới 3 vùng chiến sự gồm Afghanistan, Syria và Iraq, cũng như nhiều “điểm nóng” khác.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc thường là các vấn đề trong nước và dọc biên giới của nước này. Căn cứ quân sự duy nhất của Trung Quốc ở nước ngoài cũng mới được thiết lập cách đây 2 năm tại Djibouti.

Các chuyên gia đã chỉ ra 3 lĩnh vực chính trong mối quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo Neil Wiley, giám đốc phân tích của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, vấn đề đầu tiên là Đài Loan.

“Động lực chính cho hai thập niên hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc là mong muốn rõ ràng và nhất quán từ phía Trung Quốc về việc có một phương án quân sự cho vấn đề thống nhất Đài Loan”, ông Wiley cho biết.

Theo cựu sĩ quan Roy Kamphausen, Trung Quốc muốn “hăm dọa, cưỡng ép và gây ảnh hưởng tới Đài Loan theo hướng hỗ trợ cho mục tiêu của họ, đó là dưới ngưỡng để Mỹ can dự về quân sự”.

Nhà sử học Mead nhận định vấn đề lớn thứ hai là sự yếu thế của Trung Quốc ở trên biển, trong trường hợp xảy ra xung đột lớn.

“Công cụ mạnh nhất mà Mỹ có trong tay là khả năng của họ trong việc ngăn chặn hoạt động thương mại trên biển để đi ra và đi vào Trung Quốc”, ông Mead nói, đồng thời nhấn mạnh sự phụ thuộc rất lớn của Trung Quốc vào dòng chảy thương mại toàn cầu, vốn hoạt động thông qua hệ thống cảng nằm dọc bờ biển phía đông của Trung Quốc.

“Tất cả các nguyên liệu thô, bao gồm dầu và khí đốt, mà Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài, sẽ bị chặn lại. Khi đó nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị tê liệt trên quy mô lớn”, ông Mead dự đoán.

Các chuyên gia cũng chỉ ra mối quan ngại thứ 3 là cuộc chiến an ninh mạng, Mỹ từng cáo buộc quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào các mục tiêu chính phủ và quân đội Mỹ, cũng như các công ty công nghệ cao và các trường đại học tại Mỹ.

“Chúng ta không biết năng lực an ninh mạng của Trung Quốc như thế nào. Họ cũng không biết năng lực của chúng ta ra sao. Trong mọi tình huống, năng lực của cả hai nước và mức độ can thiệp sẽ thay đổi đáng kể theo từng năm”, chuyên gia Mead nhận định.

Thành Đạt

Theo NPR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm