1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ: Triều Tiên đã tái khởi động lò phản ứng plutonium

(Dân trí) - Triều Tiên có thể sớm có đủ plutonium để chế tạo vũ khí nguyên tử sau khi tái khởi động một trong các lò phản hạt nhân và đang tìm kiếm công nghệ tên lửa có thể đe dọa Mỹ, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cảnh báo.


Yongbyon là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên (Ảnh: BBC)

Yongbyon là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên (Ảnh: BBC)

Trong một báo cáo thường niên công bố ngày 9/2 về các mối đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cùng các quan chức quân sự và tình báo cấp cao đã gọi Triều Tiên là mối đe dọa lớn và không thể dự đoán.

“Chúng tôi đánh giá rằng triều Tiên đã thực hiện tuyên bố về việc mở rộng cơ sở làm giàu ở Yongbyon và tái khởi động lò phản ứng sản xuất plutonium”, ông Clapper viết.

“Chúng tôi cũng đánh giá rằng Triều Tiên đã vận hành lò phản ứng đủ lâu để có thể bắt đầu phục hồi plutonium từ nhiên liệu đã tiêu thụ của lò phản ứng chỉ trong vòng vài tuần đến vài tháng”.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Bình Nhưỡng cho biết cơ sở hạt nhân chính của nước này tại Yongbyon đã nối lại hoạt động bình thường. Lò phản ứng này là nguồn cung cấp plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, khi hoạt động đầy đủ, lò phản ứng Yongbyon có thể chế tạo số plutonium đủ cho một quả bom nguyên tử mỗi năm. Khoảng 4 kg plutonium là đủ để chế tạo một quả bom nguyên tử có sức công phá tương đương 20 kiloton.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa gần đây (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa gần đây (Ảnh: Reuters)

Bình Nhưỡng từng vài lần cam kết ngừng các hoạt động tại Yongbyon và thậm chí đã phá hủy tháp làm mát tại cơ sở này vào năm 2008 trong khuôn khổ thỏa thuận đổi giải trừ vũ khí hạt nhân để lấy viện trợ.

Tuy nhiên, vào tháng 3/2013, sau một tranh cãi với Mỹ và sau các lệnh trừng phạt mới do vụ thử hạt nhân thứ 3, Bình Nhưỡng đã tuyên bố tái khởi động các cơ sở tại Yongbyon.

Triều Tiên khẳng định đã chế tạo một thiết bị đủ nhỏ để trang bị đầu đạn hạt nhân cho tên lửa, vũ khí mà nước này có thể sử dụng để chống lại các kẻ thù. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nghi ngờ điều này.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa


Truyền hình Triều Tiên phát sóng hình ảnh về vụ phóng tên lửa gần đây (Ảnh: Reuters)

Truyền hình Triều Tiên phát sóng hình ảnh về vụ phóng tên lửa gần đây (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước đi tiến tới việc chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện, ông Clapper cho hay Bình Nhưỡng muốn phát triển một tên lửa tầm xa mang vũ khí hạt nhân “có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ”.

Theo quan chức trên, Triều Tiên đã công khai khoe một hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa di động và có “các bước đi ban đầu tiến tới việc vận hành hệ thống này, dù hệ thống này chưa được phóng thử nghiệm”.

Cảnh báo trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa mà các chuyên gia nói là vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa bị cấm.

Trước đó, hồi tháng 1, Triều Tiên đã tuyên bố thử thành công “bom nhiệt hạch”, vụ thử hạt nhân thứ 4 kể từ năm 2006.

An Bình