Mỹ triển khai “Ma trận”, khiến Nga “lao lực” ở Syria
Trước thềm cuộc đàm phán hòa bình Syria ở Vienna, Mỹ và đồng minh đang làm mọi cách để Nga và Assad không giành được lợi thế trên bàn đàm phán.
Mỹ nên thừa nhận Putin đã hành động đúng ở Syria
Tạp chí National Review của Mỹ ngày 10-1 có bài viết bình luận rằng, Washington cần phải thẳng thắn thừa nhận một sự thật không lấy gì làm dễ chịu đối với họ là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cách tiếp cận vấn đề Syria đúng đắn hơn so với Mỹ.
"Rõ ràng, Washington khó công khai ủng hộ Moscow và Tehran, điều ít nhất mà chúng ta chỉ có thể làm là cung cấp sự hỗ trợ ngầm” - tác giả Jay Hallen nhận định và giải thích rằng, Mỹ cần dừng những chỉ trích nhằm vào hành động của ông Putin ở Syria và chấm dứt các hành động gây trở ngại cho Nga.
Vị học giả đến từ Washington cho biết, một trong ba "chân lý bất lợi" mà chính quyền ông Obama không muốn thấy trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria là việc buộc phải thừa nhận rằng, chiến lược của Nga ở Syria đúng đắn hơn lối tiếp cận của Mỹ.
Điểm thứ hai mà vị chuyên gia Mỹ phân tích là, nếu như 2 nhà lãnh tụ Iraq và Lybia là Saddam Hussein và Muammar Gaddafi còn nắm quyền thì Trung Đông vẫn là một nơi tương đối an toàn và ổn định. Việc lật đổ chính quyền Baghdad và Tripoli càng làm tình thế thêm hỗn loạn.
Vấn đề thứ ba mà ông Jay Hallen chỉ ra là, nếu muốn đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông, hiện đang lan rộng ra Bắc Phi và đe dọa trực tiếp đến châu Âu, một chính sách ngoại giao thực tế và hành động quân sự đúng hiện nay quan trọng hơn mục đích của Mỹ.
Vị chuyên gia này cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria đã đạt đến mức độ cực kỳ nghiêm trọng và chính quyền Obama cũng không còn khả năng đưa ra được giải pháp nào hữu hiệu để chấm dứt cuộc xung đột. "Một chính sách thực tế mới là lối thoát duy nhất" - ông Hallen nhấn mạnh.
Từ những luận điểm vừa nêu trên, tác giả đã đi đến kết luận rằng, hiện nay Mỹ không còn con đường nào khác là phải đứng về phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chỉ có như vậy mới có thể tiêu diệt được tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và phiến quân al-Qaeda.
Theo ông, hỗ trợ chính quyền hiện nay ở Damascus là "con đường đúng đắn" duy nhất để đưa khu vực này trở lại sự ổn định trước những hậu quả thảm khốc của chiến lược "mùa xuân Ả Rập" do Washington khởi xướng và giành thắng lợi trước tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" IS.
"Không ai có kỳ vọng thắng lợi trước IS lớn như ông Assad - người mong muốn khôi phục các đường biên giới được công nhận của Syria và tìm mọi cách trả thù cho những tội ác mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã gây nên với nhân dân và những binh lính Syria bị bắt" - ông Hallen chỉ rõ.
Theo tác giả, đừng hy vọng rằng, sự hiện diện ở Syria của "những đồng minh đáng tin cậy" của Mỹ sẽ làm nên “chiến thắng kép” là vừa tiêu diệt được tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo", vừa đánh sập chính quyền Bashar al-Assad. Đó là những suy nghĩ hoàn toàn viển vông.
Mỹ nên tiếp tục cung cấp tin tình báo về IS cho Syria
Vừa qua, truyền thông Mỹ đã thẳng thắn thừa nhận rằng, các quan chức quân sự và tình báo Mỹ trước đây đã từng cung cấp thông tin tình báo quân sự cho chính phủ Syria thông qua các kênh trung gian, nhằm mục đích chung là tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Nhà báo nổi tiếng người Mỹ Seymour Hersh đã công bố trên "London Review of Books" rằng, những lãnh đạo tiền nhiệm của Lầu Năm Góc đã bí mật cung cấp cho chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad những thông tin tình báo về các hoạt động của IS ở Syria.
Hoạt động chia sẻ thông tin tình báo này được tiến hành thông qua lực lượng vũ trang của các nước khác. Bằng cách này họ đã giúp cho quân đội chính phủ Syria đấu tranh chống các tay súng khủng bố IS, mà không hề cần tới sự chấp thuận của chính quyền Barak Obama.
Trong bài báo có tựa đề "Từ quân đội đến quân đội", nhà báo nổi tiếng Seymour Hersh dẫn những nguồn tin của mình để chứng thực vấn đề này, trong đó có những tài liệu của cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ - Trung tướng Michael Flynn.
Một đợt huấn luyện của Mỹ cho các tay súng “đối lập ôn hòa”
Nhà báo Seymour Hershcho rằng, trong ban lãnh đạo của Hội đồng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Hoa Kỳ "đã và đang tồn tại một nhóm đối lập ẩn" không đồng ý với những nhận định của Tổng thống Obama rằng, tại Syria có nhiều nhóm vũ trang "ôn hòa" đủ khả năng lật đổ chế độ Bashar al-Assad.
Cựu Tổng Tham mưu trưởng Liên quân và cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đánh giá, ở Syria không tồn tại phe đối lập ôn hòa. Nhóm tướng lĩnh quân sự Mỹ đã tự đặt ra câu hỏi: "Tại sao vị tổng thống không lắng nghe chúng ta? Chúng ta phải làm một cái gì đó".
Các vị tướng đó đều nhấn mạnh rằng, Mỹ cần phải phải hợp tác với Nga và nên thôi đòi ông Assad phải từ chức, bởi vì làm như vậy chỉ là một hành động điên cuồng. Do đó, họ đã thống nhất quyết định hành động thông qua một bên thứ ba, cung cấp cho ông Assad các thông tin tình báo cần thiết cho Syria.
Trái với mong muốn của ông Obama, ban lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ đã quyết định tiến hành những bước đi chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS vào năm 2013, mà không thỏa thuận theo các kênh chính trị, tức là hoạt động này được tiến hành hoàn toàn bí mật.
Các dữ liệu tình báo chiến thuật và những khuyến nghị hoạt động do người Mỹ thu được ở Trung Đông đã được chuyển qua Nga, Đức và Israel tới chính quyền Assad. Trong khi đó Tổng thống Barack Obama không được thông báo về kiểu hợp tác tình báo ngầm như vậy.
Ông Seymour Hersh cũng bày tỏ ngạc nhiên trước các hành động của ban lãnh đạo Mỹ hiện nay, đặc biệt là việc họ khăng khăng đòi ông Assad phải ra đi.
“… Hãy suy nghĩ về những hậu quả khủng khiếp nếu "Nhà nước Hồi giáo" (IS), "Al-Nusra" (al-Qaeda) hoặc các nhóm đồng minh của chúng lên nắm chính quyền…điều đó sẽ dẫn đến sự hỗn loạn và tàn phá giống như ở Libya” - ông nói thêm "việc đòi ông Assad phải từ chức là điều hoàn toàn vô lý".
Tuy nhiên, hành động chia sẻ thông tin tình báo với Syria đã bị buộc phải chấm dứt sau sự ra đi của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đại tướng Martin Dempsey vào tháng 9-2015, ngay trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự chống IS ở Syria.
Sau đó, người kế nhiệm là ông Joseph Dunford chủ trương một lập trường cứng nhắc và đã loại trừ mọi sự hợp tác như vậy. Do đó, sự hợp tác giữa tình báo quân sự Mỹ và các nước khác đã chấm dứt, khiến cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq của Washington ngày càng trở nên “tuyệt vọng”.
Nhà báo Seymour Hersh khẳng định rằng, chỉ có thống nhất về nhận thức và hành động, thiết lập những hành động chung giữa Nga và phương Tây mới có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố ở Syria.
Mỹ và đồng minh gây muôn vàn khó khăn cho Nga ở Syria
Nhà báo Mỹ nhận xét rằng, tất nhiên là giới chức chóp bu ở Nhà Trắng biết cái gọi là “phe đối lập ôn hòa” của Syria có mối liên hệ “máu thịt” với những tên khủng bố. “Phe đối lập ôn hòa” không thể tồn tại nếu không có sự hợp tác với "Al-Nusra" hoặc "Nhà nước Hồi giáo”.
Do đó, chính quyền Obama đã thẳng thắn bác bỏ khả năng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, bất chấp việc Nga sẵn sàng chia sẻ dữ liệu về các cơ sở của chúng ở Syria với liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Nga, Trung tướng Sergey Rudskoy tuyên bố rằng, Nga sẵn sàng chia sẻ thông tin tình báo cho các phe nhóm đối lập ở Syria (do Mỹ hậu thuẫn), nếu họ thực tâm chống lại "Nhà nước Hồi giáo và chờ đợi điều tương tự từ Washington.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không có ý định hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, “một khi Moscow còn chưa thay đổi quan điểm của mình về việc đi hay ở của ông Assad và hướng mục đích chính của mình vào việc chống IS” - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Michel Baldansa tuyên bố.
Song song với đó, Mỹ đã điều bộ binh và xe tăng vào trấn thủ thị trấn chiến lược Kobane của Syria, nằm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thị trấn thuộc tỉnh Aleppo, là một trong 3 khu vực nằm trong vùng kiểm soát của người Kurd ở Syria và Iraq.
Việc Mỹ triển khai quân ở đây cho thấy, Washington không để yên cho Nga “một mình một ngựa” ở Syria. Từ trước đến nay, quân chính phủ không thể tổ chức các chiến dịch lớn để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS là do còn phải đề phòng các nhóm phiến quân đối lập đâm vào sườn.
Nếu Nga và quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad quét sạch phiến quân đối lập, thì việc họ chiến thắng trước IS chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi đó, công lao và phạm vi ảnh hưởng của Nga sẽ bao trùm Trung Đông, chính quyền Assad sẽ “vững như bàn thạch”, mà điều đó dĩ nhiên là trái với ý muốn của Mỹ.
Để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền Syria, Mỹ cần cả 3 mũi giáp công của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức khủng bố al-Qaeda (al-Nusra) và các phe nhóm đối lập. Chừng nào mà ông Assad chưa đổ thì khẳng định rằng IS và al-Qaeda sẽ không thể chết.
Mỹ và đồng minh đang bày “ma trận” chống Nga ở Syria (?)
Do đó, dễ hiểu tại sao liên quân 64 nước của Mỹ đánh IS gần một năm rưỡi, tiêu tốn hàng tỷ USD mà tổ chức khủng bố này không chết, lại còn đánh tràn sang cả Iraq và Syria. Có thể khẳng định rằng, sau khi “tống cổ” được ông Assad, việc Mỹ tảo thanh IS là điều không khó.
Đó cũng là nguyên nhân lí giải tại sao chính quyền Obama hiện nay cương quyết không chia sẻ thông tin tình báo với Nga về IS, đồng thời tích cực giúp đỡ các nhóm đối lập giữ vững các khu vực kiểm soát và tìm mọi cách gắn cho Mặt trận al-Nusra cái mác “đối lập ôn hòa”.
Trước thềm cuộc đàm phán hòa bình ở Viena, Lầu Năm Góc sẽ hết sức hỗ trợ các nhóm phiến quân “ôn hòa” và khủng bố Syria giữ vững thế trận trước sức tấn công mạnh mẽ của liên quân Nga-Syria-Iran-Hezbollah, để giành lợi thế trong đàm phán với chính quyền Damascus.
Tình hình Syria vẫn rối như canh hẹ, Nga đang lâm vào tình thế khó khăn bởi không thể một lúc giải quyết hàng loạt “nan đề”, do liên quân 64 nước mà Mỹ lãnh đạo gây ra. Bởi vậy, cuộc chiến của Nga ở Syria sẽ còn rất dài, nên việc Moscow “kiên cố hóa” căn cứ quân sự Hmeymim cũng là điều dễ hiểu.
Theo Thiên Nam
Đất Việt