Mỹ tìm nguồn cung chất nổ từ Nhật Bản sản xuất đạn pháo cho Ukraine
(Dân trí) - Phía Mỹ được cho là đang ráo riết tìm nguồn cung cấp chất nổ của Nhật Bản để sản xuất các loại đạn pháo viện trợ Ukraine nhằm hỗ trợ Kiev mở cuộc phản công Nga.
Hai nguồn tin thân cận nói với Reuters rằng Mỹ muốn đẩy mạnh việc sản xuất các loại đạn dược, nhất là đạn pháo 155mm, và nhanh chóng gửi chúng tới Ukraine.
Cũng theo nguồn tin này, Washington được cho đang tìm cách đảm bảo nguồn cung thuốc nổ TNT chế tạo đạn pháo thông qua các nhà thầu phụ của Nhật Bản. Thuốc nổ này sẽ được chuyển từ Nhật Bản đến các công ty chế tạo vũ khí của quân đội Mỹ.
"Có một cách để Mỹ mua chất nổ từ Nhật Bản", một nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Tokyo, nơi tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong tuần này, đã nói với Washington rằng, họ sẽ cho phép bán TNT công nghiệp vì chất nổ này không phải là sản phẩm chỉ dành cho mục đích quân sự, một nguồn tin khác cho biết.
Hiện Bộ Thương mại, Công nghiệp và Kinh tế Nhật Bản từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Trong một email, bộ này nói thêm rằng, các mặt hàng không bị hạn chế quân sự sẽ được đánh giá theo các quy tắc xuất khẩu thông thường tùy thuộc vào mục đích của người mua, bao gồm cả việc sử dụng chúng có cản trở an ninh quốc tế hay không.
Trong khi đó, Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần của Bộ Quốc phòng Nhật Bản từ chối bình luận.
Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu Mỹ có kế hoạch mua TNT ở Nhật Bản hay không, nhưng cho biết Washington đang làm việc với các đồng minh và đối tác "để cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết" để tự vệ. "Nhật Bản đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ quốc phòng của Ukraine", Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Kể từ sau Thế chiến II, Hiến pháp Nhật Bản cấm nước này xuất khẩu các sản phẩm quân sự cho các nước có liên quan đến xung đột, như đạn pháo 15mm mà Ukraine đang sử dụng trong giao tranh với Nga.
Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Nhật Bản siết chặt việc kiểm soát các mặt hàng xuất khẩu của nước này ra thị trường thế giới. Họ muốn đảm bảo rằng những hàng hóa mà họ xuất khẩu không phải là mặt hàng sát thương được dùng cho xung đột.
Tuy nhiên, các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm hoặc thiết bị lưỡng dụng có thể tham gia vào quy trình sản xuất vũ khí lại ít hơn. Đó là lý do tại sao Mỹ có thể mua máy tính xách tay Panasonic Toughbook cho quân đội của mình.
Nhật Bản hiện tham gia viện trợ cho Ukraine các vật tư hậu cần và quân nhu như áo chống đạn, mũ chống đạn và nhu thực phẩm.