1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ tiết lộ 3 bước đáp trả trong kịch bản bị Nga tấn công hạt nhân

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ đã tiết lộ kế hoạch 3 bước Washington sẽ sử dụng khi bị đối thủ tấn công hạt nhân. Quan chức này đã lấy ví dụ cụ thể về kịch bản Nga là bên phát động.

Mỹ tiết lộ 3 bước đáp trả trong kịch bản bị Nga tấn công hạt nhân - 1

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein (Ảnh: Getty)

Theo Fox News, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein ngày 2/7 đã tiết lộ kế hoạch gồm 3 bước nhằm ngăn chặn các tên lửa đạn đạo hạt nhân tấn công lãnh thổ Mỹ cũng như cách Washington tấn công trả đũa đối thủ.

Ông Goldfein đã trình bày về những động thái Mỹ sẽ thực hiện khi gặp phải một vụ tấn công hạt nhân và quan chức này đã lấy Nga làm ví dụ do Moscow có kho vũ khí hạt nhân lớn.

Cụ thể, bước đầu tiên Mỹ sẽ làm khi gặp phải tình trạng khẩn cấp hạt nhân là gọi điện báo cho NATO.

“Cuộc gọi đầu tiên sẽ là tới Tư lệnh đồng minh tối cao tại châu Âu - Tướng Tod Wolters. Ông ấy sẽ nêu ra những điều cần thiết để có thể yêu cầu triển khai lực lượng NATO ngăn chặn hoạt động của đối thủ và làm suy yếu mục tiêu của họ”, ông Goldfein nói.

Mỹ tiết lộ 3 bước đáp trả trong kịch bản bị Nga tấn công hạt nhân - 2

Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Trong kịch bản tấn công hạt nhân xảy ra, Mỹ và NATO sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công đáp trả quy mô lớn, điều mọi máy bay F-35, F-22 cho tới máy bay ném bom B-2. Theo ông Goldfein, các máy bay chiến đấu Mỹ có thể tấn công các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khi chúng đi vào khí quyển. Mặt khác, F-35 có thể mang theo vũ khí hạt nhân và tấn công vào khí tài đối thủ, bao gồm bãi phóng hạt nhân, trong khi F-22 sẽ thực hiện nhiệm vụ tấn công máy bay đối thủ.

Theo quan chức Mỹ, B-2 sẽ nhận nhiệm vụ phá hủy hệ thống phòng thủ, các điểm phóng vũ khí hạt nhân, hoặc phá hủy các khu vực theo mệnh lệnh đặc biệt của tổng thống Mỹ.

Mỹ và NATO có các máy bay triển khai nhanh và hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania, Ba Lan cũng như các khu vực quan trọng chiến lược khác, theo ông Goldfein.

NATO sẽ kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở châu Âu trên những tàu khu trục và tàu tuần dương có thể di chuyển tới gần lãnh thổ của đối thủ.

Ông Goldfein cũng nói Mỹ và NATO cũng có thể sử dụng các hệ thống súng điện từ, súng laser được trang bị trên các tàu chiến để tấn công đối thủ.

Cận cảnh máy bay B-2 ném bom phi hạt nhân lớn nhất kho vũ khí Mỹ

Bước thứ 2 của kế hoạch sẽ là gọi điện cho Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ NORAD, đơn vị phụ trách bảo vệ đất liền Mỹ trước các mối đe dọa từ ICBM. Họ có các hệ thống đánh chặn mặt đất và ông Goldfein nói Mỹ đã từng chặn thành công ICBM bằng hệ thống này.

Nhà thầu quốc phòng Raytheon đầu năm nay cũng đã tung ra tên lửa đánh chặn Exoatmospheric Kill Vehicle (EKV), vũ khí được mệnh danh là “phương tiện tiêu diệt ngoài khí quyển”. Hồi tháng 3, họ đã thử nghiệm thành công khi EKV hạ gục được một tên lửa ICBM. Raytheon đang tiếp tục phát triển hệ thống vũ khí có thể bắn ra được nhiều tên lửa đánh chặn cùng lúc.

Bước thứ 3 mà ông Goldfein đề cập tới là gọi điện cho Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược STRATCOM John Hyten và gửi đi mệnh lệnh tấn công bằng các tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Theo Fox, các tàu ngầm này có thể thực hiện các vụ tấn công uy lực và đảm bảo hủy diệt bất kỳ lực lượng nào tấn công hạt nhân vào Mỹ.

Theo ông Goldfein, cả 3 bước sẽ được thực hiện đồng thời, theo thứ tự ưu tiên phía trên để đảm bảo Mỹ được bảo vệ tốt nhất trước một vụ tấn công hạt nhân.

Đức Hoàng

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm