1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - tiền và quyền song hành (*): Thao túng chính trường

Tạp chí Times nhận định giới siêu giàu ở Mỹ không phải là phi chính trị mà là siêu chính trị, với ý nghĩa “ở bên trên” chính trị

Các nhà vận động hành lang và nhà hoạt động giàu có hiện nắm quyền sai khiến nhiều mặt trên chính trường Mỹ. Qua những khoản tiền đóng góp cho cuộc vận động tranh cử của các chính khách, giới siêu giàu muốn lồng vào những chính sách không được dân chúng ủng hộ.

Dự án Itasca

Hạ nghị sĩ Dân chủ Steve Israel (New York) vừa lên tiếng cảnh báo Washington về vấn đề trên, khi ông đã chán ngấy chuyện gây quỹ tranh cử. Từ đó, ông xin nghỉ hưu, giống như thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Mikulski, bang Maryland và thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Johnson, bang South Dakota. Họ đều từng nhận tiền của giới siêu giàu.

Cuộc họp hằng tuần của “Dự án Itasca” ở TP Minneapolis Ảnh: NYT
Cuộc họp hằng tuần của “Dự án Itasca” ở TP Minneapolis Ảnh: NYT

Hằng năm, các công ty chi hàng tỉ USD vào hoạt động vận động hành lang trên chính trường Mỹ. Trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2012, 0,01% người Mỹ đã đóng góp gần 30% chi phí trong toàn bộ chu trình bầu cử. Theo kênh Al Jazeera, ở Mỹ, những người chi các khoản tiền lớn thường sử dụng sự ảnh hưởng ghê gớm đối với chính khách được bầu chọn và dĩ nhiên, họ giành được nhiều ưu thế khác nhau so với công dân bình thường.

Có những triệu phú ủng hộ một đảng nào đó, Cộng hòa hay Dân chủ nhưng cũng có người ủng hộ cả hai. Quỹ tài trợ của họ làm việc với các nhân vật đứng đầu cơ quan ngoại giao của bang và phòng thương mại của họ tháp tùng chính phủ Mỹ ở bất cứ nơi nào. Từ đó, có những nhóm triệu phú quyết định chính sách giáo dục, viễn thông, nông nghiệp, tiền tệ hoặc bất cứ chính sách gì khác.

Thậm chí, người ta còn thành lập nhóm “Triệu phú yêu nước” chuyên tâm làm giảm tầm ảnh hưởng chính trị của… các triệu phú. Trong đó, ông trùm ngành dệt James Richman, thành viên ban cố vấn, đã tài trợ hàng trăm ngàn USD cho cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton lẫn ông Jeb Bush. Tạp chí Times nhận định giới siêu giàu ở Mỹ không phải là phi chính trị mà là siêu chính trị, với ý nghĩa “ở bên trên” chính trị.

Tỉ phú Donald Trump vẫn lặp đi lặp lại trong cuộc vận động tranh cử của ông rằng tiền bạc và quyền lực không có mối quan hệ đảng phái. Ủy ban quốc gia của cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều được điều hành bởi một tầng lớp người như nhau, họ sử dụng quyền lực thông qua các phe phái chính trị có những mục đích giống nhau. Theo nhà bình luận Malcolm Harris của tờ The New Inquiry, nếu muốn biết hệ thống chính trị ở Mỹ như thế nào, hãy tưởng tượng ra hàng ngàn phòng họp của “Dự án Itasca” trên khắp nước này, nơi nào cũng đầy những triệu phú với vẻ mặt hớn hở.

Dự án Itasca, gồm một nhóm 14 thành viên đầy quyền lực ở bang Minnesota, nhắm đến mục đích định hướng chính sách kinh tế khu vực qua ảnh hưởng tập thể trực tiếp đối với các nhà lập pháp. Nhóm này đã thúc đẩy thành công việc tăng thuế khí đốt để cấp kinh phí cho cơ sở hạ tầng giao thông, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương cũng như cơ quan chính phủ để thu hút công ty mới. Họ còn muốn can dự vào công cuộc cải tổ giáo dục.

Cản trở Medicaid

Cuộc đấu chính trị đối với Đạo luật Obamacare là bằng chứng minh họa rõ rệt nhất về cách mà các nhà tài trợ chính trị siêu giàu tác động đến chính sách liên bang và một phần nào đó làm giảm cơ hội hưởng sự chăm sóc y tế của người dân có thu nhập thấp. Đạo luật này tạo điều kiện để những người Mỹ có thu nhập thấp có thể được thụ hưởng chương trình bảo hiểm y tế Medicaid.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao phán quyết điều khoản trên không bắt buộc đối với các bang, có nghĩa là các bang không buộc phải đồng ý với sự triển khai này để tiếp tục nhận được mức kinh phí Medicaid như trước. Thế là nhiều bang chọn mức kinh phí và tiêu chuẩn về tư cách thụ hưởng trước đây.

Cho đến nay, 19 bang đã không triển khai Medicaid khiến gần 3 triệu người Mỹ không có bảo hiểm. Trong khi đó, việc triển khai Medicaid mang tính sống còn đối với người dân Mỹ. Nếu được triển khai ở mọi bang, mỗi năm, chương trình này có thể ngăn chặn được khoảng 7.000 -17.000 cái chết “vô duyên” và 240.700 tấm biên lai chi trả y tế gây thảm họa cho dân chúng.

Việc triển khai Medicaid còn có tác dụng tiết kiệm tiền. Triển khai chương trình này, các bang có thể chỉ chi ít hơn cho khoản chăm sóc khẩn cấp vốn không được đền bù. Nhà kinh tế Carter Price xác nhận khi Pennsylvania triển khai Medicaid, GDP của bang này tăng 3 tỉ USD và có thêm 35.000 việc làm.

Cuộc nghiên cứu về giới nhà giàu ở Mỹ của các nhà khoa học chính trị Benjamin Page, Larry Bartels và Jason Seawright cho thấy trong khi người Mỹ bình thường ủng hộ chương trình bảo hiểm y tế quốc gia thì chỉ 32% giới nhà giàu ủng hộ. Ngoài ra, khi được hỏi liệu người dân Mỹ bình thường có muốn đóng thuế nhiều hơn để có tiền chi trả dịch vụ y tế cho mọi người hay không, chỉ 41% giới nhà giàu trả lời “có”, so với tỉ lệ 59% dân chúng.

Thế nhưng, việc triển khai Medicaid ở Mỹ đang bị đình trệ do chính đời sống chính trị nước này. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy nhóm luật sư “Người Mỹ vì sự thịnh vượng” của 2 anh em Charles Koch và David Koch đang rất thành công trong việc ngăn chặn triển khai Medicaid ở các bang. Tổ chức này hiện chi những số tiền lớn để tạo dựng sự ủng hộ của người dân bình thường và đầu tư cho các quảng cáo chính trị.

Xu thế trên thật đáng tiếc bởi khắp nước Mỹ hiện đều có mảnh đất màu mỡ để triển khai Medicaid. Thế nhưng, trên thực tế, tầm ảnh hưởng chính trị của giới siêu giàu nước Mỹ đã xén bớt đi sự chăm sóc y tế dành cho người dân.

Đổ xô đến Puerto Rico

Một thực tế tưởng chừng nghịch lý đang tồn tại ở Mỹ: Nhiều tỉ phú rất yêu thích hòn đảo Puerto Rico, dù lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên biển Caribe này hiện chìm ngập trong nợ nần và có nguy cơ phá sản. Đài CNN cho biết Puerto Rico đang cố thu hút giới nhà giàu từ Mỹ với chính sách miễn thuế hào phóng hoặc cắt giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân.

Kết quả, khoảng 250 người có tài sản 1 triệu USD đã chuyển đến đảo này kể từ khi đạo luật trên được đưa ra năm 2012. Đơn cử, tỉ phú John Paulson với tài sản ước tính 11,4 tỉ USD, là nhân vật dẫn đầu giới nhà giàu ở trung tâm tài chính Phố Wall đến Puerto Rico.

Theo Ngô Sinh

Người Lao động