Thú vị thông lệ tung đồng xu trong bầu cử tại Mỹ
(Dân trí) - Trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, bà Hillary Clinton đã vượt qua đối thủ Bernie Sanders nhờ tung đồng xu, sau khi kết quả bỏ phiếu quá sít sao. Trò chơi may rủi này đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi tại 35 bang của Mỹ.
Theo tờ The Atlantic, các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ tại bang Iowa thứ Hai vừa qua có kết quả sít sao, đến mức có tới hơn một chục đại biểu được chọn để tham dự đại hội toàn quốc của đảng này phải xác định thông qua tung đồng xu.
Khác với các cuộc bầu cử sơ bộ, được tiến hành thông qua bỏ phiếu, người tham gia các cuộc họp kín của đảng Dân chủ tại Iowa thể hiện sự ủng hộ của mình với một ứng viên bằng cách đứng vào khu vực nhóm ủng hộ ứng viên đó.
Ứng viên nào có nhóm ủng hộ đông đảo hơn sẽ được phân bổ nhiều đại biểu tham dự đại hội đảng toàn quốc hơn, đồng nghĩa với cơ hội được đề cử trở thành đại diện cho đảng chạy đua vào Nhà Trắng cao hơn. (Đảng Cộng hòa tại Iowa tiến hành bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết để chọn đại biểu). Iowa có 1.681 điểm họp kín như vậy.
Hướng dẫn tiến hành họp kín của đảng Dân chủ tại bang Iowa nêu rõ: “khi các nhóm hậu thuẫn có kết quả ngang nhau liên quan đến việc quyết định một đại biểu, một đồng xu sẽ được tung lên để quyết định nhóm nào bị mất đại biểu đó”.
Tình huống này đã xảy ra tại hạt Ames hôm 1/2, khi trong số 484 người tham dự hợp lệ có 60 người không bỏ phiếu. Bà Clinton giành được 240 người ủng hộ, ông Sanders giành được 179 người, còn Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley giành được 5 người và lập tức rút lui.
Tương ứng với số lượng người ủng hộ trên, nhóm của bà Clinton tại hạt Ames được phân bổ 4 đại biểu, nhóm của ông Sanders được 3. Còn 1 đại biểu không thể phân bổ cho ứng viên nào, do việc làm tròn số đối với kết quả phân chia không giải quyết được vấn đề và quyết định tung đồng xu được đưa ra.
Theo tờ Guardian, một người ủng hộ bà Clinton đã chọn mặt “hình đầu người” trong lần tung đồng xu, và giúp bà giành về đại biểu thứ 5. Đây là một trong số 6 chiến thắng nhờ tung đồng xu của bà Clinton trong tối thứ Hai tại Iowa.
Trò chơi may rủi
Theo một số tài liệu, kết quả của việc tung đồng xu xưa kia từng được xem như biểu hiện của ý nguyên của đấng linh thiêng. Người La Mã xưa kia gọi trò may rủi này là “navia aut caput”, có nghĩa “thuyền hay đầu”, do đồng xu khi đó có in hình con thuyền ở một mặt và hình đầu của hoàng đế trên mặt còn lại.
Việc tung đồng xu là một đặc trưng đã có từ rất lâu trong các cuộc họp kín của đảng Dân chủ, và không chỉ được sử dụng tại bang Iowa mà còn được 34 bang khác sử dụng trong các cuộc bầu cử.
Nhiều bang tại Mỹ vẫn xem tung đồng xu là biện pháp hợp lệ để phân định kết quả bầu cử trong trường hợp số phiếu ứng viên ngang nhau. (Ảnh: Istock)
Nhiều bang tại Mỹ vẫn xem tung đồng xu là biện pháp hợp lệ để phân định kết quả bầu cử trong trường hợp số phiếu ứng viên ngang nhau. (Ảnh: Istock)
Mới đây nhất, hồi tháng này, hai ứng viên cho vị trí ủy viên hội đồng thành phố Kenton Vale, bang Kentucky đã phải tung đồng xu của cảnh sát trưởng, sau khi cùng nhận được 28 phiếu bầu.
Hồi tháng 11/2015, hai ứng viên cho vị trí trong cơ quan lập pháp bang Mississippi thì buộc phải rút thăm, để xem ai may mắn rút được cái dài hơn sẽ chiến thắng. Trước đó kết quả kiểm hơn 9000 phiếu cho thấy cả hai có số phiếu bằng nhau.
Dù vậy, tại các cuộc bầu cử cấp cao hơn, những kết quả “hòa” như trên là rất hiếm gặp. Một nghiên cứu năm 2001 của các tác giả Casey B. Mulligan và Charles G. Hunter cho thấy, chỉ có 1 trong số 16.577 cuộc bầu cử liên bang giai đoạn 1898 - 1992 có cách biệt sít sao 1 phiếu, và không có trường hợp hòa. Cũng trong thời gian đó chỉ có hai cuộc tổng tuyển cử cấp bang có kết quả hòa.
Ngoài ra không phải khi nào việc tung đồng xu, hay rút thăm cũng được áp dụng. Năm 1978, một cuộc đua vào thượng viện của bang Rhode Island có kết quả 4110 - 4110 phiếu. Nhưng hai tháng sau, một cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức và dễ dàng phân định người thắng cuộc, dù tỉ lệ người đi bỏ phiếu giảm gần 50%.
Hai năm sau, tại cuộc đua vào hạ viện bang New Mexico, ứng viên Robert Hawk đã đánh bại Darron Hillary nhờ tung đồng xu, và đến nay là cuộc bầu cử cấp cao nhất tại Mỹ phải phân thắng thua bằng trò may rủi.
Thanh Tùng
Tổng hợp