1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thừa nhận các lệnh trừng phạt kiểu Iran không hiệu quả với Nga

(Dân trí) - Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt trên quy mô lớn kiểu Iran, Triều Tiên nhằm vào Nga là không hiệu quả vì nền kinh tế Moscow khá mạnh và tích hợp chặt chẽ với hệ thống tài chính quốc tế cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea (Ảnh: Kyodo)
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea (Ảnh: Kyodo)

Ngày 26/9, trong phiên điều trần trước Tiểu ban Tài chính phụ trách Chính sách tiền tệ và Thương mại Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea cho rằng các lệnh trừng phạt kiểu Iran, Triều Tiên không có tác động hiệu quả tới toàn bộ nền kinh tế Nga.

Lý do mà quan chức này đưa ra là do nền kinh tế Moscow có quy mô lớn nhất định, cũng như có mối liên quan chặt chẽ tới hệ thống tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì điều này, nếu Mỹ trừng phạt Nga trên diện rộng, có thể sẽ phát sinh ra những hậu quả không thể ngờ tới với Mỹ, các đồng minh hoặc nền kinh tế thế giới.

Quan chức này cho rằng Nga khác với các quốc gia mà Mỹ trừng phạt trên quy mô lớn khác ở một số đặc điểm quan trọng vì vậy Mỹ buộc phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

“Ví dụ, chúng ta không thể trừng phạt Nga như cách mà chúng ta tiếp cận với vấn đề Iran hay Triều Tiên. Tehran hay Bình Nhưỡng gần như tách biệt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu trong hàng chục năm qua”, ông Billingslea nhận định.

Thay vào đó, Mỹ chỉ hướng tới việc trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp chứ không thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế Nga chính vì nguyên do trên. Theo ông Billingslea, Mỹ chỉ có thể sử dụng một số công cụ “nhằm gây áp lực ở mức cao nhất có thể lên Nga” nhưng phải đảm bảo không gây ra hiệu ứng dây chuyền có thể tác động mạnh tới chính Mỹ, các đồng minh thân thiết ở châu Âu hay nền kinh tế toàn cầu.

Quan chức Mỹ cũng nêu ra những tác động của việc áp các lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp và doanh nhân Nga. Ông cho rằng, động thái của Mỹ đã khiến giá cổ phiếu của các công ty trên giảm trên thị trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm trong khối tài sản của các doanh nhân trên.

“Từ tháng 1/2017, chính quyền Mỹ đã trừng phạt 232 cá nhân và thực thể Nga, trong đó có 215 đối tượng bị trừng phạt theo quyết định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, trong số đó, có 136 đối tượng bị trừng phạt vì nghi có liên quan đến vấn đề Nga/Ukraina, viện dẫn luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA)”, ông Billingslea cho biết.

Mặt khác, hồi đầu tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,7% vào năm 2018 và 1,5% vào năm 2019. Tổ chức này nhận định Nga đang dần hồi phục từ cuộc khủng hoảng năm 2015-2016 nhờ các chính sách hiệu quả từ chính phủ và giá dầu tăng cao.

Cũng trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP của Moscow sẽ tăng trưởng từ 1,8-2,3 % vào năm 2020 và 2-3% vào năm 2021.

Trước đó, các quan chức Nga, bao gồm Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không thể tạo được tác động lâu dài tới Nga, ngược lại chỉ khiến cho quan hệ song phương giữa 2 nước càng đi thêm vào “bế tắc”.

Đức Hoàng

Theo Sputnik