1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ thử nghiệm “mắt thần” trên không có thể thay đổi cục diện chiến tranh hải quân

(Dân trí) - Tại cuộc tập trận RIMPAC 2018, Mỹ đã lần đầu thử nghiệm hệ thống laser mới cho phép quét và thăm dò các mục tiêu mìn, thủy lôi dưới lòng đại dương, cho phép phát hiện các mối đe dọa nhanh chóng và có thể thay đổi cục diện khi tác chiến trên biển.

Một trực thăng của hải quân Mỹ được gắn thiết bị ALMDS (Ảnh: Northrop Grumman)
Một trực thăng của hải quân Mỹ được gắn thiết bị ALMDS (Ảnh: Northrop Grumman)

Theo Business Insider, Mỹ đã điều trực thăng MH-60S mang theo hệ thống phát hiện bom mìn bằng laser từ trên không (ALMDS) tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 đang diễn ra tại Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên công nghệ hiện đại trên được sử dụng trong một cuộc diễn tập.

ALMDS có thể phát hiện hiệu quả các loại mìn, thủy ngư lôi, chất nổ dưới nước trong khoảng thời gian ngắn, nhờ đó hỗ trợ hoạt động của đội tàu chiến của hải quân Mỹ.

Ông Danielle George, giám đốc dự án phát triển ALMDS, nói với trang tin Warrior Maven rằng đây là lần đầu tiên hệ thống được đưa vào diễn tập tác chiến, sau hàng loạt những thử nghiệm về hiệu năng và chiến thuật trước đó. Ông George nói hải quân Mỹ đang phân tích những dữ liệu chủ chốt thu được từ hệ thống trên trong cuộc tập trận RIMPAC năm nay.

Ngoài ra, ông George cho biết ALMDS có khả năng thu thập toàn bộ dữ liệu khi tham chiến và khi kết thúc nhiệm vụ nó sẽ tải các thông tin xuống và hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị tác chiến có thể tìm ra hướng giải pháp xử lý chất nổ, thủy lôi trong tương lai.

Khác với những hệ thống laser trước, ALMDS có tầm quét rộng khắp bề mặt khu vực, giúp cho việc phát hiện các mối đe dọa rộng hơn, cũng như các tàu nổi sẽ có thể hoạt động trong khu vực an toàn hơn với hệ thống “mắt thần” bên trên.

Cơ chế hoạt động của ALMDS là hệ thống này sẽ dùng tia laser để kiểm tra khu vực rộng, sau đó truyền tín hiệu cho camera lắp dưới trực thăng và xử lý hình ảnh về những mối đe dọa về trực thăng. Tốc độ của hệ thống này rất nhanh, đáp ứng được yêu cầu khi tác chiến.

Ngoài ra, ALMDS có thể được coi là tiền đề để Mỹ tiếp tục phát triển những hệ thống laser hiện đại khác, có thể hỗ trợ các tàu ngầm ở dưới sâu đại dương hoạt động hiệu quả.

RIMPAC 2018 là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới với sự tham gia của 25 quốc gia, 46 tàu chiến, 5 tàu ngầm, 200 máy bay và 25.000 quân nhân, diễn ra từ 27/6 tới 2/8, chủ yếu tại Hawaii và phía nam California.

Đức Hoàng

Theo Business Insider

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm