Mỹ thu hồi tiêm kích F-35 toàn cầu vì lỗi động cơ
(Dân trí) - Lầu Năm Góc yêu cầu thu hồi máy bay chiến đấu F-35 trên toàn cầu để khắc phục lỗi động cơ sau các sự cố tại một số quốc gia.
Văn phòng Chương trình Hỗn hợp (JPO) của Lầu Năm Góc ngày 3/3 đã ra thông báo yêu cầu toàn bộ tiêm kích F-35 phải được sửa lỗi trong 90 ngày.
Lệnh thu hồi được áp dụng cho gần 900 chiếc F-35 mà nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đã giao hàng trên toàn thế giới, bao gồm các tiêm kích đã ngừng bay sau vụ rơi F-35 tại căn cứ Fort Worth ở Texas vào ngày 15/12/2022.
Cuộc điều tra phát hiện lỗi rung động cơ đã dẫn đến vụ tai nạn ở Texas. Tiêm kích gặp sự cố là dòng F-35B Lightning II được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.
Sau vụ việc trên, Lockheed Martin đã ngừng việc bay thử đối với các tiêm kích F-35 mới. Lầu Năm Góc và công ty sản xuất động cơ F-35, Pratt & Whitney, đã dừng việc giao động động cơ vào cuối tháng 12 năm ngoái.
Các nhà điều tra đã phát hiện lỗi rung động động cơ, mà JPO cho biết hiếm khi xảy ra và chỉ giới hạn ở những tiêm kích mới xuất xưởng gần đây.
Tuy nhiên, JPO vẫn yêu cầu thu hồi toàn bộ F-35 trên toàn cầu, bao gồm những tiêm kích đã giao cho quân đội nước ngoài. Mỹ đã bán F-35 cho nhiều nước như Israel, Nhật Bản và Anh.
F-35 được coi tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhờ hội tụ những yếu tố của một vũ khí chiến đấu uy lực như khả năng tàng hình trước radar, tốc độ ấn tượng, tính linh hoạt cao, hệ thống cảm biến hiện đại.
Mỹ đã phát triển F-35 thành 3 biến thể khác nhau, trong đó F-35A dành cho không quân, F-35C cho hải quân, và F-35B dành cho thủy quân lục chiến. Điểm đặc biệt của F-35B là nó có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng như trực thăng.
Tuy nhiên, F-35 cũng là một vũ khí gây tranh cãi vì thời gian phát triển lâu hơn dự kiến cũng như các lỗi kỹ thuật đã phát sinh khiến cho dự án bị đội chi phí lên cao, biến nó trở thành máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới.